“Ông
cha”, ngài là linh mục. Hồi xưa, có nơi gọi là ông cố, nhưng danh xưng ông cố
hình như được dùng để gọi các cha lớn tuổi (?). Những người không Công Giáo còn
gọi các ngài là ông cố đạo. Đi đến nhà thờ, có người muốn gặp ông cố sở, có
người muốn gặp cha phó. Ông cố hay ông cha, dẫu cho được gọi dưới tên gì, đó
cũng là linh mục. Nhưng, linh mục, ngài là ai?
Tôi
chỉ muốn và dám nói tới các cha của họ đạo tôi thôi. Bà con xứ tôi thương các
cha lắm và hãnh diện lắm. Cha là người ở xứ nào đâu đó đến, mặc, không cần
biết, chỉ biết là từ khi cha đã đến xứ này rồi thì: một, cha sở tôi, hai cũng
là cha sở tôi. Sau một thời gian ở tại họ, cha được các đấng bề trên đổi đi nơi
khác. Tới ngày lễ bổn mạng của cha sở cựu, bà con cơm ghe bè bạn lên đường đi
thăm cha nơi nhiệm sở cha đang ở, gặp người xứ lạ nơi cha đang phục vụ, vậy mà
cũng dám mở miệng nói: cha sở tôi! May phước là người ta không tranh giành.
- Mình có họ đạo rồi thì không cha này cũng cha khác, cũng sẽ có cha được bổ
nhiệm tới chớ lo gì?
- Tầm bậy, cha sở mình là cha sở mình!
*
Danh tiếng lắm! Hãnh diện lắm! Cha sở Tòng làm Đức Cha! Xin gọi là Đức Cha bởi
nếu thời đó nói tới ngài mà gọi là Giám Mục thì người ta không biết, bà con xứ
tôi sẽ cự lại liền: Đức Cha chớ Giám Mục cái gì! Tôi đang nói về “cố Đức Cha
Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng”, vị giám mục tiên khởi của Việt Nam, là đức cha
đầu tiên trong lịch sử giáo hội Việt Nam, là cha cựu của họ đạo Bà Rịa, là
người đã để lại bao trình cho họ đạo, là người đã xây dựng “nhà tuồng” nơi đó
bà con xứ tôi đã có dịp xem những tuồng hát đạo như “Thánh Xitô tử đạo”, tuồng
gì nữa đó mà tôi chỉ là kẻ hậu sanh nên chỉ nghe kể lại thôi rồi không nhớ
được, rồi tuồng “Thương Khó” danh tiếng. Các vở tuồng này thì nếu tôi nhớ không
sai, đó là các vở tuồng của ông Đoàn Công Chánh, người em út của cha Phaolô
Đoàn Quang Đạt. Tuồng nào khi diễn cũng đều do cha sở Tòng xem vai, chọn vai.
Thí dụ như khi diễn tuồng “Thương Khó”, cha đã chọn người đóng vai Chúa Giêsu
là ông Bảy Vui, cha của cha Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Vàng bởi ông có gương
mặt dài dài, giống như các hình vẽ về Chúa, mà giọng nói của ông thì nghe như
tiếng chuông ngân, không biết bao giờ nghe lại được! Còn như với tuồng “Xitô”,
cha đã chọn ông Sáu Trọng để đóng vai thầy pháp. Mỗi lần thầy pháp bước ra sân
khấu là mỗi lẫn tiếng cười vang gần bể rạp.
Còn
nữa, trường học nhà thờ, lầu chuông (thời đó), và … cho nên một khi mà cha sở
sau này muốn sữa đổi cái gì, người ta hay ngăn cản: đó là di tích của cha sở
Tòng. Người ta không “muốn” làm cái gì mới. Người ta muốn giữ lại tất cả những
gì có thể làm cho người ta nhớ lại “cha sở Tòng”. Tất cả những cái đó bây giờ
không còn nguyên vẹn, do thời cuộc. Có chăng là những chạm trổ trên các cửa ở
nhà thờ Tân Định. Sau khi rời Bà Rịa, cha đổi về Tân Định. Được ít lâu sau, cha
trở lại thăm họ cũ rồi đem ông Tư Nhi và người học trò là Bảy Để lên Tân Định,
để chạm trổ các cửa nhà thờ mà ngày nay vẫn còn. Rồi cái cha được chọn làm Đức
Cha, cha đổi đi đâu ở cái xứ gì mà nó xa lắc xa lơ không biết ở đâu mà tới. Sau
này, đọc báo mới biết cha đổi đi địa phận Phát Diệm. Rồi cha qua đời, không ai
tìm đến được để “thăm” cha, nhưng trong lòng, người ta luôn nhắc tới “cha sở
Tòng”.
*
Cha Tòng đi, cha Gabriel Long tới. Cha là một thầy đờn (bây giờ người ta gọi là
nhạc sĩ). Đức Cha Tòng chịu chức năm 1930, thì cha đổi đi khỏi Bà Rịa vài năm
trước đó, nghĩa là cha Long về họ Bà Rịa ở những năm 192.. Người lớn kể lại:
cha thường có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ, chắc là cha đang sáng tác. Khổ nổi là
không còn ai của thời đó để mà hỏi thăm, chỉ biết là cha có nhiều học trò nhạc,
trong đó có ông Sáu Cậy ở Chợ Quán. Có một thời, ông Sáu Cậy là trưởng ban nhạc
Cảnh Sát Đô Thành, gồm hơn 150 nhạc công, và ông cũng thường tự hào, xưng mình
là học trò của cha Gabriel Long và cha Phaolồ Đạt.
Nói
tới cha Long, nhiều người thương mà cũng có người “ghét”: cha giỏi nghề thuốc
lắm. Mấy cái bệnh thông thường như ho cảm, đau bụng đau dạ thì ai nói làm gì,
mà hễ đau, lên cha, cha cho thuốc hay cha viết toa cho ra tiệm thuốc Bắc để
“hốt” thuốc, đặc biệt cái bệnh tiểu đường. Sau khi bắt mạch biết rõ bệnh rồi,
cha biểu về đi, mai lên cha lấy thuốc. Ngày hôm sau lên, cha đưa thuốc, về sắc
uống, sau đó hết bệnh. Năn nỉ xin cha cái toa để mai sau hữu dụng, giúp đời,
cha dứt khoát không cho là không cho: “ông cha xấu”!
*
Cha Long đổi đi, cha Phaolồ Đạt về. Người ta nhắc: Từ ngày cha đi rồi, đâu còn
nghe cha hát nữa. Bởi cha cũng là một thầy đờn. Cha soạn nhạc. Cha là tác giả
của hai cuốn “Ca Ngợi Trái Tim” và “Ca Ngợi Đức Bà”. Còn bài hát “Kính Nguyện
Chúa Thánh Th, ần” cũng là của cha. Thỉnh thoảng trong ngày, có dịp đi ngang
nhà cha, người ta nghe cha hát. Cha hát một cách tự nhiên, to tiếng y như là
người ta đang hát trong nhà thờ. Có người rình và thấy khi hát, cha “múa tay”
lên xuống, lắc lư cái đầu làm như hát thiệt:
- Cha nhỏ con mà tiếng hát cha to ghê!
Đó
là những lúc cha đang soạn nhạc cha đánh nhịp, cha hát thử.
Có
một lần lên nhà thờ gặp giờ cơm, về bà ngoại tôi thấy mũi lòng. Bà kể cha ngồi
ăn cơm trưa với một dĩa khổ qua luột và một dĩa nước mắm “sống” có dầm trái ớt
(đó là nước mắm nguyên chất, không có pha chế, thêm giấm hay thêm đường). Thấy
bà ngoại tôi cứ nhìn lom lom “bữa cơm” của cha, cha giải thích: ăn như vầy ngon
lắm con mà lại bổ nữa, với lại khổ qua ăn nên thuốc. Nhưng bà ngoại tôi “không
chịu”, rồi từ đó cho đến khi ngoại tôi chết, cứ mỗi lần câu được cá buôi thì bà
ngoại tôi sai hai anh tôi đem lên cho cha. Con cá buôi này tôi không hề biết
mặt. Đó là loại cá hiếm mà anh tôi nói là ngon lắm, tưởng gì: ngoại nói như
vậy. Cũng bà ngoại tôi nói chớ nào anh tôi có nếm qua món cá này bao giờ đâu.
Anh tôi còn nói: cá này mắc tiền lắm, người ta mà câu được thì thường đem ra
chợ bán, cho mấy nhà giàu, và mỗi lần hai anh tôi (hai anh em sinh đôi) khiêng
cái giỏ cá đi lên nhà cha, cha thấy thì cha hay bước ra trước thềm nhà cha, đầu
ngả qua ngả lại, cha hát:
Ba
đồng một mớ cá buôi
Bỏ công câu cá về nuôi mẹ chồng.
Bà
ngoại tôi chết, không còn cá buôi để đem lên cho cha nữa. Rồi cha đổi đi nơi
khác, không biết là họ đạo nào cho đến khi má tôi dẫn tôi lên thăm cha là lúc
cha đang nghỉ hưu tại Chủng Viện Sài Gòn. Rồi cha qua đời, được chôn cất tại
nghĩa trang các cha ở Chí Hòa.
Đâu
có dễ gì mà tìm đến nơi được để “thăm” cha. Từ xứ tôi mà đi được đến Sài Gòn
thì cầm bằng như là bây giờ đi từ Việt Nam qua Mỹ, qua Tây, nhưng hồi đó có lẻ
còn khó hơn. Mà đến được Sài Gòn rồi thì Chí Hòa là ở đâu nữa? Bởi vậy, hễ có
người biết đường đi, người ta rủ nhau đi chung, đi lên thăm cha già, đi viếng
mộ cha. Cả một tốp người vây quanh một nấm mộ. Bao nhiêu người chung một lòng
tưởng nhớ!
Trước
đây, trong tháng 5 là tháng Đức Mẹ và tháng 7 là tháng kính Trái Tim, chiều
phép lành là người ta hát các bài hát trong sách “Ca Ngợi”. Còn ngày lễ Chúa
Thánh Thần Hiện Xuống, nhiều họ đạo lo tập kinh “Kính Nguyện Chúa Thánh Thần”,
4 bè thiệt là “uy nghi”. Những khi nghe hát những bài hát này, sau lễ bà con xứ
tôi nhắc nhở nhau: “Thiệt, nghe mấy bài hát này tui nhớ cha già Phaolồ Đạt
quá!” Ngày nay, nói tới mấy kinh này, có mấy ai biết!
Trong
đời tôi, còn nhiều “cha sở” nữa, nhưng xin dừng lại nơi đây, tạm có đôi phút
tưởng nhớ các cha xưa, “cha sở tôi”.
Micae Nguyễn Ngọc Sáng