CHỢ CÂY ME
Nếu đi từ hướng thị xã, gần đến trụ sở UBND xã Bình Nhâm, rẽ ngã ba bên trái,
qua cây cầu nhỏ bắt ngang rạch, rồi theo một con đường đất đỏ khá rộng đi sâu
vào giữa những vườn cây trái xanh um, bạn sẽ đến một nơi có tên là Cây Me. Ngay
đối với nhiều người là dân địa phương họ cũng không ngờ rằng nơi đây thưở xa
xưa đã từng là một ngôi chợ có danh tiếng, từ thời vua Tự Đức, tiền thân của chợ
Lái Thiêu, và rất có thể là ngôi chợ thuộc vào loại đầu tiên của tỉnh này.
“Chợ Bình Nhan Thượng, ở thôn Bình Nhan Thượng, huyện Bình An, tục gọi chợ Cây
Me, nay hãy còn tên chợ Cây Me, từ chợ Bình Nhâm vào. Tại sao thay đổi Bình
Nhan thành Bình Nhâm ? Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, chữ Hán ghi rõ Nhan, theo
nghĩa nhan sắc, dung nhan. Đổi ra Nhâm, có lẽ vì lúc sau này, kỵ húy trùng tên
với quan chức địa phương nào chăng ? “ ( Sơn Nam, Địa Chí Sông Bé ).
Lái Thiêu và Búng còn là nơi cư trú khá an toàn của người theo đạo Thiên Chúa gốc
từ miền Trung, hoặc từ Sài Gòn, lúc triều đình thi hành chính sách kỳ thị. Ban
sơ giáo dân tụ ở Cây Me, và nhà thờ của họ đạo Lái Thiêu đầu tiên lập tại chợ
Cây Me này, có bàn thờ chúa do Bá Đa Lộc cho xây dựng đơn sơ từ năm 1771. Như vậy
ta hiểu, hồi giữa thế kỷ 17, nơi đây đã có người khai khẩn.
Một số học sinh trường Bá Nghệ Thủ Dầu Một từng đến chợ cây Me để lập trại cẩn
xà cừ, đóng tủ, bàn ghế. Có lò nhuộm, làm gia công cho những lò lớn ở Gò Vấp. Rạp
hát Cây Me cất sớm hơn rạp Lái Thiêu; gánh hát bội “Bầu Tảo” khoảng 1920, nổi
danh với những cô đào “Thài” thu hút khán giả từ Búng, Lái Thiêu kéo đến xem.
Nhờ con rạch mà ghe tải ra vào được từ Bình Nhâm. Lần hồi rạch này cạn dần.
Xung quanh vùng có vườn trồng thơm, lò bún, lò bánh tráng, bánh hỏi, lò hủ tiếu.
Chợ Dĩ An phát triển với đề pô xe lửa, bạn hàng qua Cây Me mua hàng với khối lượng
lớn. Như vậy sau năm 1913, đến thập niên 20 của thế kỷ trước, chợ Cây Me vẫn
còn sung túc.
Một thời trước năm 1945, chợ Cây Me là trung tâm du ngoạn thu hút những người
khó tính nhất của Sài Gòn và vùng phụ cận, người Pháp cũng ưa thích : Suối Đờn.
Lại có thêm nghề làm khăn đen. Kiểu khăn đóng theo thời trang ở Nam bộ, rất cần
cho hương chức hội tề, thân hào, điền chủ . “ Khăn đen suối Đờn do ông Nguyễn
Văn Bút sản xuất và chào hàng ở Cầu Bông ( Sài Gòn ) được quảng cáo trên các
báo, tiếng đồn khắp nông thôn tận phía Cà Mau.” Xưa có bài vè Suối Đờn:
Tiếng đồn Lục Tỉnh bốn phương
Sài Gòn, Chợ Lớn tìm đường đến chơi
Đường đi một buổi hẵn hoi
Anh em lớn nhỏ đi coi Suối Đờn
Bình Nhâm có chú Mười Hoài
Làm một dàn máy nó hay quá chừng !
Đương kêu vặn máy nó ngừng
Dưới ao ngũ hổ nước dâng lên liền
Trong nhà trống đánh cồng chiêng
Cũng như làng xóm Kỳ Yên trong đình
Muốn xin lớp nhạc cũng xong
Làm thầy gõ mõ tụng kinh cũng rành.
Năm 1862, triều đình Huế ký “hoà ước năm Nhâm Tuất” , nhường đứt cho Pháp 3 tỉnh
miền đông. Sau đó, Pháp liền chia cắt lại ranh giới 3 tỉnh này. Huyện Bình An
thuộc tỉnh Biên Hòa, lỵ sở đặt tại Búng. Huyện Bình An lúc này bao gồm một địa
phận rất rộng lớn, gồm cả tỉnh Bình Dương ngày nay, một phần Bình Phước, và quận
Thủ Đức ( cũ ) của thành phố HCM. Sự kiện này cho thấy vào thời điểm đó, Búng
phải là một nơi sung túc, phồn thịnh hơn các nơi khác trong khu vực.
Đường đi cũng có suối khe
Muốn lên chợ Búng mà nghe huê tình.
Đến năm 1867, Niên Giám Nam Kỳ thuộc Pháp đã ghi là tỉnh Biên Hòa chia ra làm 5
địa hạt, địa hạt Bình An thay cho huyện Bình An, lỵ sở đặt tại Thủ Dầu Một. Từ thời điểm này, tầm quan trọng về chiến lược,
chính trị … của Búng phải nhường cho một nơi khác. Tuy nhiên, về phương diện
thương mại, Búng chưa thể suy tàn ngay.
Búng hồi đó thuộc thôn Tương An, nay thuộc xã An Thạnh, nằm cách Thủ Dầu Một 6
km bằng đường bộ. Người Pháp xây dựng nhà lồng chợ từ năm 1903. Chợ có
hình chữ nhật với diện tích 150 x 30 m2 hướng ra đường quốc lộ 13 cũ. Bên kia
đường là khoảng trống làm bến xe, có dãy tiệm quán hàng ăn bao bọc thành hình
vòng cung. Đối diện với chợ ở khu đó là quán cơm Xã Hội nằm ven bờ rạch, nay là
trụ sở lực lượng an ninh trật tự. Chợ có hai nhà lồng riêng biệt. Phía sau là khu
chợ lộ thiên, người buôn bán tự che dù. Hai bên hông chợ người ta sử dụng vỉa
hè, nhà ở hai dãy phố để buôn bán.
Năm 1912 chợ Búng được xếp vào thị tứ hạng ba ngang với Bà Rịa, Vũng Tàu, Hà
Tiên, Tây Ninh !
Có nhiều cách giải thích khác nhau cho địa danh chợ Búng. Có người cho rằng vì
chợ nằm gần cái búng nước( chỗ nước xoáy ); người khác lại nói do xưa gọi là
“chợ Bưng”, vì đây đúng là vùng đất bưng, người Pháp viết trên bản đồ là “Bung
“, người Việt đọc thành “Búng“; có người lại nghĩ do vùng này vốn nổi tiếng với
nghề làm bún và món bún bì, do viết sai chính tả từ “ bún” mà có tên là
chợ Búng… Ngày nay, chúng ta thiếu cơ sở vững chắc để có thể xác định thuyết
nào là đúng nhất, tuy nhiên biết được Búng từng được xếp ngang hàng với chợ Bà
Rịa, Vũng Tàu, mọi người chắc ít ai ngờ.
“Vào năm 1910 có 970 người dân, là một thị trấn xinh đẹp có nhiều lò gốm,
có lò sát sinh, có đình chùa tươm tất, có chợ búa lợp mái ngói, là nơi tiếp tế
cho Sài Gòn đủ loại trái cây như xoài, măng cụt, thơm…”( Sơn Nam, Địa chí
Sông Bé )
Búng là trung tâm của vườn cây Lái Thiêu nổi tiếng từ xưa tới nay. Là chợ đầu mối
mua bán trái cây từ đây đi các nơi khác, nhất là vùng Gia Định. Vào mùa trái
cây, dịp mùng 5 tháng 5, du khách các nơi kéo về du ngoạn cảnh vườn và ra chợ
Búng thưởng thức món ăn ngon rất đông.
Chợ Búng đã qua thời vàng son nhất của mình, nhưng chính vào thời điểm mà vị
trí của ngôi chợ ngày càng suy đi thì may mắn thay, lại có sự xuất hiện của một
vài tiệm quán bán đồ ăn. Nhờ các quán ăn này mà tên tuổi chợ Búng đã vang xa khắp
cả Nam Kỳ lục tỉnh trước đây và ngày nay vẫn còn được nhớ : món bánh bèo bì,
bún thịt nướng của tiệm Mỹ Liên, Ngọc Hương…
Trong các quán ăn này, người ta luôn trưng bày các hủ kiếng đựng đồ chua như củ
kiệu, củ cải, cà rốt … nhìn rất đẹp mắt và hấp dẫn. Bây giờ không ai còn ngờ được
Búng từng là trung tâm huyện lỵ của một vùng đất vô cùng to lớn, rằng Búng đã từng
ngang hàng với chợ Vũng Tàu, Bà Rịa … nhưng thương hiệu bánh bèo Mỹ Liên thì du
khách nhiều nơi nay vẫn còn biết đến.
Ngoài ra cũng nên nhắc đến một thương hiệu khác : “ Phở Cây Xoài”, một tiệm
phở chủ nhân là người Bắc đã bán từ năm 1955 đến nay. Thập niên 60, có quán cơm
xã hội, loại quán bán cho người nghèo nằm đối diện với cửa chợ, bên bờ rạch.
Khu vực Cầu Ngang có rất nhiều hàng quán phục vụ khách du lịch, mở trong vườn
trái cây. Quán ăn chưa có điểm nào nổi trội lắm, riêng cà phê có quán Đồng Vọng,
mở sâu trong vườn, chuyên mở nhạc Trịnh Công Sơn, hiện nay cũng là điểm đến lý
thú.
Ngày nay chợ Búng đã được xây cất lại khá khang trang, tịêm quán hai bên đường
mọc lên san sát, nhưng giờ đây nó chỉ là một ngôi chợ nhỏ nếu so với các chợ
khác trong tỉnh. Một thời vang bóng của Búng đã qua.
Chợ Lái Thiêu thành hình sau chợ cây Me, và có thể sau cả chợ Búng. Lái Thiêu từ
xa xưa là địa bàn cư trú của nhiều lớp cư dân người Việt đầu tiên đến đây làm
ăn sinh sống. Chính vì thế, ở đây tập trung nhiều ngành nghề truyền thống như gốm
sứ, điêu khắc, chạm trổ, mộc … Nghề mộc, nghề vẽ tranh kiếng phát triển với tốc
độ nhanh, mãi đến trước năm 1945. Dọc theo bờ rạch Lái Thiêu, có dãy nhà chuyên
vẽ kiếng, thợ cẩn, thợ tiện, thợ mộc từ Bắc bộ vào sống ở quanh chợ. Thời Pháp
mới đến, chợ Lái Thiêu còn thu gọn ven bờ rạch, nơi ranh giữa hai làng Bình
Nhâm và Tân Thới. Cách bờ không xa là rừng thưa, rải rác những cây to. Là tụ điểm
giao lưu thủy bộ nên chợ phát triển nhanh, tiệm quán tấp nập, chè cháo, cà phê
bán suốt đêm, với nhiều khách vãng lai, không kém một tỉnh lỵ.
“Theo niên giám Đông Dương năm 1912, chợ Lái Thiêu đứng đồng hạng với các
chợ sung túc phía đồng bằng như Ô Môn, Bình Thủy (Cần Thơ ) và đứng vào hàng thị
tứ quan trọng bậc hai, ngang với các tỉnh lỵ Trà Vinh, Thủ Dầu Một, Long Xuyên,
Châu Đốc, Biên Hòa, sung túc hơn các tỉnh lỵ (thị tứ hạng ba) như Bà Rịa, Tây
Ninh, Hà Tiên,Vũng Tàu. Tại Lái Thiêu, có ba nhà vựa cá đồng, phân phối cho các
chợ lân cận, nhà có ghe cá từ U Minh ( Rạch Gía ) đến bán dịp tết, đậu lại đôi
ngày chờ chở lu hũ, tô chén, bàn ghế về miền Tây. Lại còn khu vực chợ Đường, với
nhiều nhà vựa dự trữ khối lượng lớn. Khoảng 1945 trở về trước, đường cát trắng
là xa xí phẩm, nông dân và lớp nghèo thành thị thích dùng đường thẻ, đường móng
trâu, màu sắc không đẹp nhưng rẻ tiền, phảng phất hương vị của mật mía.”
(Sơn Nam, sđd)
Chợ Lái Thiêu ở trung tâm huyện lỵ, nằm rãi rác theo các dãy phố như: Trần Quốc
Tuấn, Nguyễn Huệ, Pasteur, Trưng Nữ Vương, Đỗ Hữu Vị và tập trung nhất là đường
Nguyễn Văn Tiết. Những khu phố này được gọi là phố chợ. Vì sinh hoạt buôn bán
xen lẫn với sinh hoạt dân cư do vậy dễ gây tình trạng mất vệ sinh, trật tự lưu
thông. Năm 1989, khu phố Lê Lợi được cải tạo để xây dựng phố chợ, nhà lồng chợ
theo kiến trúc hiện đại hơn xưa.
Chợ Lái Thiêu, ngoài đặc sản trái cây đã nổi tiếng từ lâu, phải kể đến các tiệm
quán bán hàng ăn, đặc biệt là tiệm của người Hoa. Đây được xem là khu vực bán
thức ăn ngon, và có nhiều giai thoại cũng cần ghi chép lại.
Các món ăn Tàu như mì, hủ tiếu, xíu mại, bánh bao … là các món chánh. Chợ Lái
Thiêu là khu vực có rất nhiều tiệm mì Hoa, món mì hủ tiú hoành thánh, bò viên
nơi đây được tiếng là ngon, có ngưòi còn cho là ngon hơn cả trên chợ Thủ.
Tiệm mì Phước Kiến, gần chùa ông Bổn, của chú Chuỵl, nổi tiếng ngon nhất Lái
Thiêu thời trước 75, cùng với món vịt quay hảo hạng, nay đã nghĩ bán. Mì Triều
Châu, mì Quảng Châu, gần cầu Lái Thiêu, đường Phan Đình Phùng, nay vẫn còn.
Đáng nhớ còn có những tiệm như Mì chú Hớ nấu theo cách của người Triều Châu, cọng
to như cọng bánh canh của người Việt. Trên tô mì có kèm con tôm chiên lăn bột
hoặc một miếng chả chiên. Ngày nay tiệm mì này đã nghĩ bán. Tiệm mì chị Ui người
Quảng bán rất trứ danh, khoảng 1962 chị về Sài Gòn, bán ở chợ An Đông cũng tấp
nập khách khưá một thời, sau 75 chị đi ra nước ngoài.
Xe bò viên của một ông các chú Tiều, xưa bán gần tiệm Trường Giang gần bờ rạch
Lái Thiêu, nay con cháu vẫn tiếp tục bán ở chùa Ba,ø đáng kể là tiệm bò viên
lâu đời nhất của Lái Thiêu, phải trên sáu bảy chục năm.
Khi tô phở Bắc khởi sự bán ở vùng đất này, dân địa phương không biết đó là món
gì, người bán phải cất công giải thích đó là món hủ tíu nấu với thịt bò.
Để cải biên cho hợp với khẩu vị của dân địa phương vốn đã quen các món ăn
Tàu thường sử dụng tương xay làm nước chấm như món bò viên chẳng hạn, người ta
đã bỏ tương vào tô phở. Đây là khác biệt lớn nhất của tô phở Bắc và phở trong
Nam. Ngày nay, người miền Nam ăn tô phở không có tương thì họ không ăn được,
không có tương thì với họ là món ăn gì đó chớ khơng phải phở.
Tiệm quán người Hoa, ngoài tiệm mì, phải kể đến tiệm nước, nơi bán cà phê, nước
giải khát, các loại bánh ngọt, bánh bao, bánh tiêu… Ở Lái Thiêu thời trước có
tiệm Đồng Tâm, rất nổi tiếng với món bánh bao. Bánh bao Đồng Tâm thưở ấy được
cho là ngon nhất miền Nam. Sau thập niên 70, tiệm mất dần danh tiếng và sau 75
thì nghỉ bán. Ngày nay đi ngang nếu để ý ta sẽ thấy tấm bảng hiệu được sử dụng
làm tấm vách phía sau nhà, hai chữ Đồng Tâm rạng rở thời nào nay tuy mờ nhạt
song vẫn còn đọc được. Sau Đồng Tâm, nổi tiếng thứ hai là tiệm Hưởng Ký ở ngay
dãy phố chợ, nay vẫn còn bán.
Phần trên nói đến thức ăn của người Tàu, còn về món ăn của người Việt, nổi tiếng
nhất Lái Thiêu phải kể đến Nem Lái Thiêu, tiệm gần ngã năm Lái Thiêu, tồn tại
đã gần trăm năm. Người đầu tiên làm ra món nem này là bà Hai Dư, cách nay đã gần
tròn thế kỷ, bà gánh gánh đi bán dạo, sau có tiếng rồi mới làm và bán tại nhà,
hoặc bỏ mối cho tiệm bánh bèo bì ở chợ Búng. Nhờ một vài người bán dạo, nhất là
một ông lão bị mù, và bạn hàng buôn chuyến mà thương hiệu Nem Lái Thiêu vang ra
các tỉnh khác. Nhiều nghệ sĩ danh tiếng thời đó như Thanh Nga, Bạch Tuyết … từng
đến tận cơ sở làm nem để mua về Sài Gòn, mỗi khi họ có dịp về Bình Dương. Nay
tiệm vẫn còn hoạt động, vẫn làm theo lối thủ công truyền thống của gia đình, và
nem Lái Thiêu vẫn là niềm tự hào về phương diện ẩm thực của người dân nơi đây.
Bình Dương là xứ đậu phộng nên từ lâu đã có nghề làm ra nhiều thứ kẹo đậu phộng,
trong đó có kẹo đậu phộng sên đường trên miếng bánh tráng phồng nhỏ cở bằng cái
miệng chén. Bình Dương cũng lại là xứ trồng điều, và người ta đã biết bắt chước
cách làm kẹo đậu phộng bánh tráng bằng kẹo hột điều. Nhất xứ Lái Thiêu và
có thể nhất cả Bình Dương là kẹo hạt điều bàø Chín. Bà mới vừa mất, gần
trăm tuổi. Con cháu không ai theo nghiệp nên bí quyết của bà chắc sẽ thất truyền.
Ngày nay ai muốn thưởng thức loại kẹo giống như kẹo bà Chín đã làm có thể đến
quán bánh bèo Mỹ Liên ở chợ Búng.
Kế đến là món mắm thái của bà Hai Lạc, nay bà đã mất lúc ngoài chín mươi tuổi.
Thời trưóc 75 đây cũng thuộc vào loại mắm “tiến vua”, nói thế vì tỉnh trưởng thời
đó có lần thết đãi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ăn cơm trưa với món mắm này rất
được khen ngợi. Về sau, hàng năm tỉnh thưòng đặt bà Hai Lạc mắm để làm quà biếu
cho dinh Tổng Thống, đặc biệt phu nhân Tổng thống Thiệu rất thích loại mắm này,
cùng với các đặc sản hàng năm như măng cụt, sầu riêng … Bình Dương rất được phủ
Tổng Thống khen ngợi về món ăn ngon.
Phở Cây Bàng, nằm cạnh bờ rạch chợ Lái Thiêu, nay bị che khuất bởi các sạp hàng
bán gia vị, tạp hóa nằm chắn ngay trước cửa nên khách đi đường không thể thấy
được, nay chỉ còn bán cho những người ở chợ. Tiệm bán từ trước năm 1945,
chủ nhân là một người miền Bắc vào đây lập nghiệp từ đầu thế kỷ, giỏi nghề thợ
mộc, xưa gọi thợ Bắc, nay ông đã ngoài 90, vẫn còn sống. Qua tiệm phở này, có
thể cho rằng món phở độc đáo đã được du nhập trực tiếp từ Bắc vào Bình Dương mà
không thông qua cửa Sài Gòn như nhiêàu thứ khác. Ngày nay có tiệm phở Lài là
tương đối đông khách, ngoài ra là phở chay Phổ Minh, ở gần đó, ngay ngã ba Cây
Liễu, lắm người nhận xét là phở chay mà còn ngon hơn phở mặn, thế nên dân Sài
Gòn mà cũng biết tiếng, nhiều khi xách xe từ Sài Gòn chạy về đây để chỉ ăn tô
phở.
Thời kinh tế thị trường, Lái Thiêu là cửa ngỏ để vào những khu công nghiệp lớn
của Bình Dương như Sóng Thần, Việt Hương, Singapore … nên là cơ hội cho hàng
quán thức ăn mọc lên. Ngoài một số nhà hàng lớn khu vực cầu Ông Bố, như quán phở
Huỳnh Hoa, quán lẩu dê Thanh Sơn, quán Cá Lóc Nướng … Còn nhiều quán khác khai
thác tâm lý thích cảnh đồng quê mát mẻ của dân thị thành đã xây dựng trong những
nơi có vườn tược êm ả, khuất vắng.
Chợ Dĩ An, đến nay đã được 93 năm (2004). Chợ nằm ở khu phố Bình Minh, diện
tích 3225 m2, có một nhà lồng chợ ( Pháp xây dựng từ năm 1911). Lúc này cũng là
thời điểm deport xe lửa Dĩ An được thành lập ( 1913 ?), nên khu vực này từ đây
ngày càng trở nên sầm uất.
CHỢ TÂN UYÊN
“Chợ Tân Uyên, ở xã Tân An, huyện Phước Chánh, tục gọi chợ Đồng Sứ, người các
nơi mua bán đông đảo lại có cơ quan của tuần Bình Lợi đóng ở đây. Đây là kiểu
trạm kiểm soát, thâu thuế sản vật từ trên rừng đem xuống.”(DNNTC)
Như đã nói ở phần trên, Tân Uyên là một trong những nơi mà người Việt thưở xưa
đã đến định cư rất sớm, ngang bằng hoặc thậm chí trước cả Lái Thiêu vì nơi đây
khá gần với Cù Lao Phố mà thời ấy nhờ nhóm người Hoa của Trần Thắng Tài, đã rất
phát đạt, dấu hiệu cho thấy người Việât và Hoa đã định cư khu vực này khá đông
rồi.
Trong tác phẩm của một nhà văn xứ Đồng Nai, ông Bình Nguyên Lộc, đã cho ta biết
thêm về ngôi chợ này như sau: “Tôi chỉ hạn chế địa bàn quan sát trong tỉnh tôi
thôi, là tỉnh Biên Hòa, không nói đến ba tỉnh khác là Tây Ninh, Thủ Dầu Một và
Bà Rịa…
Bốn tiền đồn xuất quân trong tỉnh này là : tiền đồn lớn nhứt là chợ Tân Uyên,
chợ huyện lớn nhứt trong tỉnh, Long Thành là chợ huyện lớn nhì trong tỉnh. Hai
tiền đồn khác không phải là chợ huyện mà chỉ là chợ làng giàu là tiền đồn thứ
ba và thứ tư. Đó là chợ Cây Đào và chợ Tân Ba “ ( Săn cọp Đồng Nai, Ma rừng )
Như vậy khi còn nằm trong địa phận tỉnh Biên Hòa thưở đầu thế kỷ, chợ Tân Uyên
đã là ngôi chợ huyện lớn nhất, lớn hơn cả chợ Long Thành. Nhà văn còn mô tả
phong cảnh chợ trong một truyện ngắn khác có tên “Câu dầm “ :
“-Cậu cũng biết chơ ù… chợ Tân Uyên mình địa thế tốt lắm. Mấy thầy địa lý cắc
chú đi du phương, qua đó, thầy nào cũng khen. Nên cái chùa” Ông“ ( Ông đây tức
là ông Bổn Đầu Công, tức Mã Viện ) sau chợ bị nhà nước bắt dời đi mấy lần, mà “
cắc chú” họ cứ rủ nhau xin để lại cho được mới nghe. Trước chợ, con sông, bờ
cao ngất.
Nước sông trước chợ lại vận thành xoáy khu ốc, như cố ý dừng lại trước một địa
thế linh thiêng. Bên kia sông, ngay chợ, khu rừng cấm Bình Hưng trên hòn cù lao
Tân Chánh, ngó giống tấm bình phong, hay cái tam quan trước chùa chiền. Rừng sầm
uất, cây cao, bóng mát đứng trên mé vực cao, nghiêm nghị rọi mình xuống sông
sâu. Nếu không có chợ, nhà, người đi ghe thương hồ qua đó không khỏi sởn tóc
gáy, vì cái vẻ linh thiêng, tịch mịch của nó.
Mấy ông hồi trước thuật rằng : “Ngay dưới miếng đất cất chợ có một cái hang ăn
luồn vô riết tới chùa Ông, tới chỗ cái hồ trên miệng có xây con cá hoá long, cậu
biết chớ ?”
“Cái chợ hồi trước còn lợp tranh, cứ vài năm lại cháy một lần. Đêm trước khi
cháy chợ, dân làng nghe bên rừng tiếng gầm thét vang trời. Bởi vậy, hàng năm
làng có lập đàn làm chay trứơc chợ, để tế Thần Cù và luôn tiện bố thí cho cô hồn,
các đảng”.
Thế nhưng Tân Uyên là vùng đất gò, khá cao nên trừ đất ven sông thì khô cằn,
không thuận lợi cho việc canh tác, thua hẵn Lái Thiêu về việc trồng trọt, lập
vườn. Đã vậy, dân cư thưa thớt, rừng rú nhiều, rất thuận tiện cho việc ẩn núp,
tiến hành chiến tranh du kích nên thời thực dân, Tân Uyên luôn là điểm lý tưởng
để lập căn cứ kháng chiến, do đó mà vùng này bị chiến tranh tàn phá nặng nề,
kinh tế khó bề phát triển. Ngày nay, hệ thống đường sá đến Tân Uyên đã được xây
dựng khá đáng kể, hy vọng trong tương lai gần hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển
biến tích cực. Nhìn lại vấn đề ẩm thực ở địa phương, Tân Uyên nổi tiếng nhất có
món mắm nêm cả trăm năm nay, món ăn cần kiệm của con nhà nghèo, nhưng giỏi chế
biến với những sản vật trồng trọt nơi đây như dưa đèo, đu đủ, thơm … Cháo lòng ở
chợ, quán của hai vợ chồng là giáo viên, bán 10.000 một tô, tương đương giá tô
phở ở nhà hàng Vũ Gia, Bình Dương, vậy mà khách vẫn đông. Bên bờ sông chợ
có quán Gió, nhìn qua cù lao Bạch Đằng. Thức ăn chưa có gì đặc biệt lắm nhưng
ăn vẫn thấy ngon nhờ phong cảnh sông nước rất thoáng mát, hữu tình. Trên đường
về chợ Tân Ba, đến xã Thạnh Phước, du khách có thể dừng chân ở quán Mười Ché,
thưởng thức các đặc sản về tôm, cá lăng. Quán nằm sâu trong vườn, rất mát mẻ, lại
gần sông Đồng Nai nên có nguồn tôm nước ngọt phong phú quanh năm. Tại đây món lẩu
măng cá lăng là được khen ngợi nhiều hơn cả.