Thế hệ các Linh mục Bà Rịa: Không trông mà cứ đến
26/12/13 21:02 PM
Có ai mà trông đợi cái chết của ai bao giờ, nhưng đôi khi, người ta
cũng cứ chờ một cái tin. Tin Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn mầu qua đời là một cái
tin mà người ta lâu ngày quên đi không nhớ tới, nhưng khi nhớ tới thì lại cứ chờ.
Có người cũng đã có ý nghĩ là liệu Địa phận Vĩnh Long sẽ có thêm một vị giám mục
thọ đến trăm tuổi, sau đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, qua đời ở tuổi 106?
Như vậy là thế hệ trước đã hoàn toàn kết thúc. Thế hệ trước đó được những người
Bà Rịa biết và thương nhớ với những cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Công, Giacôbê Nguyễn
Ngọc Quang, Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Phêrô Phạm Văn Triêu, Gioan Baotixita Nguyễn
Văn Vàng (dòng Chúa Cứu Thế), Giacôbê Lê Văn Tỏ (địa phận Cần Thơ), và còn có
thể kể thêm cha Phêrô Nguyễn Thành Thông có dính líu họ hàng với người Bà Rịa.
Hai cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Công và Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang là hai anh em ruột
được người Bà Rịa quen gọi là cha chín cha mười. Cha Công đã bị Việt Minh giết
chết năm 1945 (?) trên cầu Vĩnh Hội. Khi bị xô xuống sông, hai tay bị trói quặt
ra phía sau lưng, tay còn cầm cuốn sách missel (theo lời kể của ông biện Thời ở
Cầu Kho, người đã tận mắt nhìn thấy cảnh cha Công bị giết hôm đó, ngày Việt
Minh nổi dậy cướp chánh quyền). Chiều lại, dì chín Khá (dòng mến Thánh Giá Chợ
Quán, và là chị chú bác ruột) đang giặt quần áo ở bờ ao thì thấy từ phía sông
trôi vào cuốn sách missel, được bao trong cái bao simili còn mới mà dì vừa mới
mua ở nhà sách Tân Định để tặng em, dì chỉ biết kêu lên: Chúa ơi!
Cha mười Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, sau khi chịu chức tại Sài Gòn năm 1935,
cùng với anh là cha Công, được đi du học tại Pháp, trở về lại được chuyển về địa
phận Vĩnh Long, năm 1965 được phong làm Giám mục, cai quản địa phận Cần Thơ từ
năm đó cho ngày 20 tháng 6 năm 1990 là ngày cuối đời.
Cha Phêrô Phạm Văn Triêu là một người rất là thông minh, được cho đi du học tại
Pháp khi còn là tiểu chủng sinh.
Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Vàng, dòng Chúa Cứu Thế, là một nhà hùng biện
tài danh. Khó ai mà nín cười được khi cha nói một câu chuyện vui, nhiều người
đã không cầm được nước mắt khi cha kể một câu chuyện buồn. Cha đã có mở các lớp
dạy cách ăn nói (thuật hùng biện) mà người dự là nhiều vị luật sư tên tuổi của
Sài Gòn trước kia. Ngoài tài nghệ ăn nói “lên bổng xuống trầm”, cha có một giọng
nói như “tiếng chuông ngân” và một nụ cười “chúm chím” khi bước lên bục giảng.
Cha Phêrô Nguyễn Thành Thông theo như lý lịch là người sinh trưởng tại Thủ Dầu
Một, lại có dính líu họ hàng với dòng họ cha Công cha Quang, và cha lại thích
được gọi là người Bà Rịa. Cha đã được đi du học ở Rôma, có thời gian làm sở Bàrịa,
và làm giám đốc tiểu chủng viện SàiGòn.
Bài này được viết như bó nhang, đốt lên để tưởng niệm và vĩnh biệt những linh mục
của một thế hệ của Bà Rịa. Thế hệ sau, cách thế hệ trước gần 20 năm, gồm các
linh mục như Kinh, Thế Quới, Vinh, Trâm (Đức cha địa phận Bà Rịa bây giờ) và chắc
là còn nữa mà xa xứ lâu ngày người viết không biết được. Khóc nhiều thì mau
quên, viết nhiều người đọc cũng mau quên, xin có đôi hàng về thế hệ trước của
các linh mục Bà Rịa, mà kể từ đây đã chấm dứt.
Micae Nguyễn Ngọc Sáng 02/02/2013