Họ
đạo Tha La là một họ đạo lâu đời thuộc Giáo phận Phú Cường, nhưng được
mọi người biết rộng rãi qua các bài thơ, bài ca viết về xóm đạo Tha La.
Có lẽ đây là một trong những nét nổi bật so với các họ đạo Công giáo khác trong toàn bộ
miền Nam.
Từ
Bình Dương đi ngã cầu Phú Cường đến thị trấn Củ Chi, rẽ phải chạy theo
quốc lộ 22 đến Thị trấn Trãng Bàng, Tỉnh Tây Ninh, rẽ trái đi thẳng
khoảng 5 km là đến nhà thờ Tha La. Nhà thờ Tha La tọa lạc ở Ấp An Hội, Xã An Hòa, Huyện Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh
Sắp
tới Tha La rồi đây. Một cảm giác bồi hồi xen lẫn với cảm giác thích
thú, bởi đã nghe biết Tha La từ lâu nhưng hôm nay mới có dịp về thăm.
Đường
vào nhà thờ Tha La thật thanh tĩnh như những xóm đạo vùng quê khác, đâu
còn cảnh điêu tàn như trong lời bài hát, thay vào đó là một khung cảnh
yên bình, nhà cửa, cư dân rất đông đúc. Đặc biệt, những ngôi nhà với lầu
Chúa được đặt ở trên nóc, ngay chính tâm, cho thấy đời sống đức tin của
họ đạo cố cựu này mạnh mẽ đến nhường nào.
Cái
nắng buổi trưa ở Tây Ninh có tiếng là gay gắt và nóng bức, nhưng với
những con đường trong xóm đạo Tha La thì mát dịu với những cây tầm vông
rợp bóng mát
Tha
La cây ăn trái không nhiều bởi nằm trên vùng đất khá cao, một phần đất
ven sông dễ bị ngập vào mùa lũ nên không nhiều cây ăn trái nào sống được
lâu. Cho nên, không ngạc nhiên khi thấy ở đâu trong xóm đạo cũng có tầm
vông và tre, các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng vùng này.
Có
một làng nghề chuyên làm ra các sản phẩm từ cây tầm vông ở Tha La chăng
!? Không khẳng định được qua một lần ghé thăm, nhưng có nhiều cơ sở thu
mua và chế biến nguồn nguyên liệu dồi dào này ở đây.
Đây, nhà thờ Tha La với dáng vẻ bình dị
Núi Đức Mẹ trước nhà thờ Tha La
Đây,
phần mộ của ông Trùm Côximô Nguyễn Hữu Trí,vị tiền hiền khai
khẩn vùng đất này và khai sinh họ đạo, chết rũ tù vì đạo Chúa. Ngày nay,
con cháu của ông còn ở Tha La rất nhiều, trong đó, có nhiều Linh mục và
tu sĩ.
Đây,
phần mộ của ông - bà Huyện Viên, người cũng có công gầy dựng và phát
triển họ đạo. Không nghe nói con cháu của ông, bà còn ở họ đạo Tha La.
Đây, Đất Thánh họ đạo Tha La
Đất
thánh họ đạo Tha La có một nét truyền thống rất đặc biệt và nổi tiếng.
Vào đêm lễ các đẳng linh hồn, giáo dân tập trung viếng mộ và thắp nến
cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Nến được thắp sáng đồng bộ, tạo nên một
vẻ đẹp huyền ảo. (ảnh sưu tầm)
Viếng mộ cha Gioakim Nguyễn Văn Nghị, cha sở cựu.
Phần mộ của cha Gioan Baotixita Tông, cha sở cựu.
Phần mộ của cha Phanxico xavie Ngô Viết Năng, cha sở cựu họ đạo Gò Dầu.
Thật ngạc nhiên khi thấy phần mộ của cha Phêrô Nguyễn Bá Kính
ở đây, biết tiếng Ngài đã lâu nhưng không có thông tin. Cha là cha phó
họ đạo Tha La từ 1944 - 1946, sau đó vào khu tham phong trào công giáo
kháng chiến chống Pháp. Sau đó bị tử nạn ở gần Tha La năm
1950. Giáo dân mang xác cha về và an táng ở đây.
XIN CHO CÁC NGÀI ĐƯỢC HƯỞNG NHAN THÁNH CHÚA
Vào
nhà xứ chào thăm cha Phêrô Nguyễn Văn Thắm, cha sở đương nhiệm, cũng là
cha quản hạt Tha La. Ngài sinh ra ở Búng và lớn
lên ở họ đạo Bà Lụa. Vài lời thăm hỏi nhưng cha vui lắm. Cầu chúc cho
Ngài luôn mạnh khỏe và bình an.
Cha sở Phêrô và các chị trong hội đoàn
Tạm
biệt Tha La khi nắng chiều buông xuống. Kết thúc một chuyến đi thật
nhiều ý nghĩa và được mở mang được nhiều điều. Họ đạo Tha La không phồn
vinh phố hội nhưng thân quen, đơn sơ và gần gũi, một họ đạo đậm chất
kiên trung trong đức tin, thâm trầm vượt bao sóng gió để gìn giữ và mở
mang nước Chúa.
Chiều Tha La thật lặng lẽ và bình yên như thể muốn níu chân người khách vãng lai chậm rời bước.../.
Một đoạn sông Cầu Hàn ở Tha La
Sanh Quới
Tha La, ngày 13/11/2011.
HỌ ĐẠO THA LA - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
“..Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một lần
Giữa mùa nắng vàng hanh
Ngậm ngùi Tha La bảo:
Đây rừng xanh rừng xanh.
Bụi đùn quang ngõ vắng,
Khói đùn quanh góc tranh,
Gió đùn quanh mây trắng
Về lửa loạn xây thành…..”
Vũ Anh KhanhNhững
vần thơ ấy đã đi vào lòng người, nên Tha La được nhiều người biết đến.
Tha La không có cảnh đẹp nên thơ, Tha La cũng không có lâu đài cổ kính,
nhưng có cây ngọt trái lành.
I. Tha La
được hình thành
Dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840), vua ra sắc chỉ cấm đạo
rất gắt gao. Trong hoàn cảnh ấy, ông Côximô Nguyễn Hữu Trí đã đưa gia đình từ
Huế vào miền Nam sinh sống và lánh nạn. Ông và gia đình đã đến Bà Trà, Thủ Dầu Một,
đến Suối Đá, Tây Ninh và cuối cùng đã dừng chân tại Tha La này năm 1837.
Theo truyền khẩu: Tha La là nơi nghỉ mát của dân tộc Khmer, cũng
là một nơi hoang vắng, sình lầy. Tại Tha La, ông Trí đã qui tụ được một số gia
đình để khai phá đất hoang cũng như tổ chức các buổi đọc kinh gia đình. Đến năm
1840, ông Trí mới được linh mục đến giúp khi các ngài có dịp đi ngang. Từ đây,
Tha La đã thật sự thành hình, đó là nhờ công đức của các vị tiền bối, nhất là
ông Côximô Trí
II. Tha La trong giai đoạn phát triển
vươn lên
Dù Tha La được hình thành từ những năm 1837 – 1840, nhưng mãi
đến năm 1860, cha Besombes (Hạnh), là vị linh mục đầu tiên đến phục vụ cho họ
đạo Tha La. Lúc bấy giờ có khoảng trên 20 gia đình nhưng ở rải rác khắp nơi, và
nhà thờ chỉ được làm bằng tranh vách lá tại Lò Mò và Trường Đà.
Trải qua bao gian khó, cực nhọc với bao đời linh mục đã đến phục
vụ tại họ đạo Tha La bé nhỏ. Đến năm 1881, cha Laurensô Bính đến phục vụ họ đạo
Tha La. Cha đã vận động, quyên góp để xây dựng nhà thờ Tha La. Sau 3 năm miệt
mài, nhà thờ Tha La được hoàn thành. Đó là công sức của bao người góp nên, nhất
là của gia đình ông bà Huyện Viên, và cũng là người có công trong việc thành
lập họ đạo Tha La này. Từ đây, Tha La đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn
phát triển và vươn lên.
III. Tha La trong giai đoạn mới
Giáo xứ Tha La có từ năm 1840, nhưng mãi đến ngày 22/09/1966,
với nghị định số Prot. N311/66 của Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên, chính thức
thiết lập giáo xứ Tha La.
Tha La hình thành và phát triển, bao vị linh mục đã đến phục vụ,
làm cho Tha La ngày càng phát triển thêm lên. Năm 1966, vâng lệnh bề trên, cha
Gioakim Nguyễn Văn Nghị đã đến nhậm sở tại họ đạo Tha La thay cho cha Giacôbê
Lê Văn Quá. Cha rất quan tâm đến đời sống tinh thần lẫn vật chất của giáo dân.
Vì nhu cầu cấp thiết và hữu ích cho giáo dân, nên ngày 10/09/1967, Đức Cha giáo
phận Phú Cường đã chủ sự thánh lễ đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng nhà
thờ Tha La và cha Gioakim Nghị phụ trách. Sau khoảng 3 năm xây dựng, nhà thờ
Tha La đã hoàn thành và được khánh thành vào ngày Chúa nhật 13/12/1970.
Sau hơn 160 năm (1840 – 2005) hình thành và phát triển, đẫ có
khoảng 48 linh mục đến giúp và làm việc mục vụ tại giáo xứ Tha La.
Giáo xứ Tha La cũng dâng hiến cho Giáo Hội những người con là
các Linh mục và tu sĩ, để phục vụ cho giáo hội. Hiện tại số giáo dân của giáo
xứ là 4.756 người.
Ngày 14/02/2000, cha Philipphê Trần Tấn Binh đã đến nhậm sở tại
giáo xứ Tha La, thay cha Giuse Nguyễn Tấn Tước. Và ngày 10/01/2005, với sự cộng
tác của toàn thể giáo dân trong giáo xứ, cha sở Philipphê Trần Tấn Binh đã cho
tu sửa và trang trí lại cung thánh của thánh đường giáo xứ Tha La. Đến nay đã
hoàn thành.
Ngày 05/02/2005, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, giám mục giáo phận
Phú Cường, chủ sự thành lễ tạ ơn và cung hiến thánh đường và bàn thờ mới của
giáo xứ Tha La.
Ngày 03/09/2005, cha Phêrô Nguyễn Văn Thắm được bổ nhiệm làm cha
sở Tha La, thay cho cha Binh.
Nhà thờ Tha La với tước hiệu Đức Maria Vô Nhiễm, đã được đặt
dưới sự bảo trợ của các Thánh tử đạo Việt Nam, đặc biệt là các Thánh: Thánh
Philipphê Phan Văn Minh, Thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm.
Giáo xứ Tha La xin cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa vì đã ban cho
giáo xứ tha La được như ngày hôm nay, đồng thời cũng chân thành cảm ơn các vị
tiền bối, các giám mục, linh mục, các tu sĩ và toàn thể anh chị em trong
cũng như ngoài giáo xứ đã hỗ trợ và nâng đỡ cho giáo xứ Tha La có được như ngày
hôm nay. Xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Vô Nhiễm, Thánh Philipphê
Phan Văn Minh, Thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm ban ơn và
chúc lành cho tất cả quý vị.
(Kỷ yếu giáo phận Phú Cường 1965 – 2005)