Năm
nay là “năm Linh Mục 2009.” Cầu nguyện cho các cha là một việc, yểm trợ
các cha trong việc làm của các ngài là việc khác, nhớ tới các cha lại
là một việc khác nữa mà đó là mục đích của bài viết này.
* Ông cha … phát thơ
Tuy
xứ tôi nghèo và họ đạo tôi nghèo nhưng hầu hết ai cũng có một mái nhà,
mà nhà thì phải có một số nhà, một địa chỉ, một tên đường. Lúc đó, đường
sá cũng có tên như sau này. Tôi còn nhớ lại được con đường chạy ngang
trước nhà thờ là đường Thành Thái, bên hông trái của nhà thờ là đường
Mgr Nguyễn Bá Tòng, bên hông phải là đường Giáo Định, phía sau nhà thờ
là đường Dr Phạm Hữu Chí, còn con đường đi ngang nhà tôi!… Do đó nếu hỏi
“nhà anh” số mấy đường gì thì không mấy người nói được địa chỉ nhà
mình, nên những người đi làm việc xa quê, gởi thơ về thăm nhà thì cứ ghi
ngoài bao thơ: Kính gởi Cha Sở, bên dưới ghi to tướng hai chữ Bà Rịa,
thì thế nào thơ cũng tới tay cha. Xong bên dưới ghi thêm: Nhờ cha trao
dùm thơ này lại cho ba con (hay má con) là ông, bà … thì thơ sẽ đến tay
người thân. Còn gì tiện lợi cho bằng!
Cha
có một chiếc xe “Mobilette”. Mỗi lần đi đâu “xa”, cha phải nách xe từ
trên nhà cha, xuống khoảng 7 bậc thềm! Nếu không phải đi kẻ liệt mà để
làm công tác … phát thơ, cha treo ở “cổ” xe một cái bị nhỏ, đựng đầy thơ
trong đó. Đi tới nhà ai, cha khỏi cần kêu. Nghe tiếng “xành xạch” của
máy xe, bà con chạy ra để chào cha. Cha ngoắc, bà con chạy ra nhận thơ.
Đôi lúc, cha chạy xe vô luôn trong sân nhà là để vào nhà hỏi thăm, thăm
viếng. Thơ nào cha không tìm trao được, cha rao trong nhà thờ. Vậy mà
hay hơn, thơ về tới “nhà giây thép” rồi, nhiều khi cả một hai tuần sau
thơ mới tới nhà người ta…
* Ông cha thiệt thà
Làm
linh mục mà không thiệt thà sao được, nhưng cái điều muốn nói ở đây là
ông cha đã quá thiệt thà, đến độ người ta phải ngạc nhiên. Cha là một du
khách đến Hoa Kỳ. Cha đến một giáo xứ để thăm người em bà con xa, xa
cầm bằng con đường cha đã đi từ Việt Nam qua đến cái xứ này, nhưng quả
tình là cha có bà con. Cha đến cử hành thánh lễ, cùng đồng tế với cha
chánh xứ. Thấy cha ăn mặc xềnh xoàng, mặt cha lúc nào cũng có vẻ nhìn
ngơ ngác, một bà đã đến chào cha. Bà “gởi” cho cha 500 đô la, trong một
bao thơ. Cha mở ra xem. Cha hỏi bà:
- Bà đưa cho tôi nhiều vậy?
Bà đáp:
- Dạ con dâng cho cha để cha về sữa nhà thờ!
Cha làm bà và nhiều người khác ngạc nhiên:
-
Không! Nhà thờ tôi còn tốt lắm, không cần phải sữa chửa. Nếu bà cho tôi
để sữa nhà thờ thì tôi không dám nhận. Nếu như bà có ý muốn xin lễ thì
số tiền này nhiều quá..
Bà cười, lấy lại bao thơ, để lại một tờ không to lắm, không nhỏ lắm. Cha nhận và cám ơn bà…
* Con có cha
Thật
là cảm động! Trong đời tôi đã có nhiều lần đưa đón cha đi cha đến,
nhưng chưa có lần nào như lần này. Sau khi được cha sở báo cho biết là
họ đạo có cha phó mới, hôm đó là một ngày thứ năm, một ngày thường trong
tuần nhưng nhà thờ đông nghẹt. Tất cả ba chuông lớn nhỏ của nhà thờ đều
đổ vang: một ngày trọng đại. Nhà thờ đã chật ních người, chỉ có “qưới
chức” và đại diện các hội đoàn còn ở bên ngoài nhà thờ để rước cha phó
“mới” từ nhà cha, đi vòng nhà thờ, rồi đi vào nhà thờ bằng cổng chánh.
Ban hát cất tiếng:
Con Vua Cả (à).. bước đi (ì).. rất đẹp..
Thánh
lễ bắt đầu, cha sở và cha phó mới đồng tế. Đức Cha dự lễ. Đến phần
giảng, cha sở cám ơn Đức Cha, giới thiệu cha phó. Cha phó phát biểu, rồi
Đức Cha ngõ lời. Đức Cha nói, người ta ngồi nghe nhưng tâm hồn vẫn còn
thờ thẩn với lời phát biểu của cha phó mới mà tôi vẫn còn nghe văng vẳng
bên tai:
- Kính thưa Đức Cha! Con vô cùng cám ơn Đức Cha đã làm
lễ phong chức cho con, và hôm nay Đức Cha còn đưa con đi đến nhiệm sở…
Con cám ơn cha sở…
- Kính thưa Quí ông bà, con không có cha vì
cha con đã mất khi con mới lên ba, nhưng nay về đây, ở họ đạo này, con
có cha sở, con coi cha sở như là cha của con, xin cha hãy nhận con như
là con của cha..
- Kính thưa Quí ông bà, con cũng không còn mẹ
vì mẹ cũng đã mất sáu tháng trước ngày con chịu chức. Quí bà ở vào tuổi
của mẹ con, con sẽ coi như là mẹ của con. Quí ông, con sẽ coi như là
chú, bác của con. Mấy người trẻ, con sẽ coi như là anh hay em của con…
Vậy là cha còn có đủ hết: sống xa quê, xa gia đình nhưng cha có đủ cả cha mẹ anh em tại cái xứ xa lạ mà cha mới tới.
* Một đời hiến dâng
Khi
cha còn ở họ tôi, tôi còn nhỏ quá. Rồi khi cha đổi đi, tôi cũng còn quá
nhỏ để biết sao là “đổi đi”, và cha đã đổi đi đâu? Hiểu biết một chút,
nói về cha, tôi nhớ đến tên cha có ghi trên giấy chứng nhận rửa tội của
tôi, không phải của mỗi một mình tôi mà của toàn bộ bốn anh em tôi. Nếu
có ai hỏi tôi về cha, tôi sẽ trả lời ngay: đó là cha sở cựu của họ đạo
tôi. Tôi sẽ làm lanh mà dẩn giải cho người hỏi tôi rằng
- cha là một “thầy đờn”, bây giờ gọi là nhạc sĩ;
- cha là tác giả của hai cuốn sách nhạc Ca Ngợi Trái Tim Chúa Giêsu và Ca Ngợi Trái Tim Đức Bà;
- cha là tác giả của bài hát “Kính Nguyện Chúa Thánh Thần” danh tiếng một thời;
Cho
đến năm đó, sau khi “tìm được tung tích” của người cha già, tôi theo má
tôi vào Chủng Viện Sài Gòn để thăm cha, cha đang nghỉ hưu ở đó. Cứ hễ
chiều chiều, cha hay lê từng bước, từng bước chậm đến bên cửa sổ ở bệnh
xá của Đại Chủng viện. Cha đứng đó, hai tay tựa lên bục cửa sổ, mặt hơi
ngước lên, nhìn ra trời. Thỉnh thoảng cha quay mặt vòng theo mấy con
chim đang bay ngoài trời. Cha đứng ngắm đàn chim chiều bay chặng cuối
của đoạn đường đi về tổ…
Một lần đến thăm cha, nghe tiếng gõ lốc cốc của mấy xe hủ tiếu mì ở đường Luro trước Chủng Viện, cha hỏi:
- Con có tiền không con?
- Dạ có! Cha cần chi cha?
Cha cười rồi chậm rãi nói:
- Con xuống nhà bếp, mượn cái “ga mên” rồi ra đằng trước mua mì vô cha con mình ăn!
Má con tôi làm theo lời. Cha ăn ngon lành, và đó là lần cuối…
Cha
sở thông báo trong nhà thờ: sau mấy ngày nằm im trên giường, bên cạnh
có các thầy Đại Chủng Viện canh, sau một cái hắt hơi nhẹ, cha đã ra đi.
Họ đạo đã cầu lễ cho cha sở cựu ba ngày. Phương tiện khó khăn nhưng rồi
sau đó, có địp đi Sài Gòn, má tôi quyết định đi cho được lên “đất thánh
các cha” ở Chí Hòa để “gặp, thăm” cha một lần. Vào đất thánh, hai má con
tôi chia nhau, mỗi người đi tìm ở một dãy, và rồi đã gặp được mộ phần
của cha, ở dãy bên phải, hơi sâu bên trong, với tấm mộ bia có đề:
RIP
Paulus Đoàn Quang Đạt
* Xin chỉ hư phần xác
Hôm
đó là ngày 29 tháng 11, ngày áp lễ kính thánh Anrê tông đồ. Theo thông
lệ hằng năm, tôi đến thăm người bạn mà bổn mạng là thánh Anrê, để chúc
mừng, và … chung vui. Trong khi còn chờ đợi, đang đứng trước cửa nhà,
một người thanh niên đến hỏi thăm:
- Có anh N. ở nhà không?
Tôi
trả lời có và nói anh đợi một chút để tôi vào kêu N. ra. Khi N. ra, hai
người chào nhau mừng rỡ. N. muốn bước ra bắt tay để mời người thanh
niên vào nhà thì người thanh niên kia lùi lại. Anh cười nói:
-
Ngày mai là lễ thánh quan thầy của N., mình nhớ nên mình đến thăm. Ngày
mai trong thánh lễ mình sẽ nhớ cầu nguyện đặc biệt cho N. và gia đình.
Nhớ cầu nguyện cho mình với! Cầu cho mình nếu có hư thì hư phần xác chứ
đừng hư phần hồn!
N.
nó lại tiếp tục bước xuống bực thềm nhà để mời anh ta vào chơi nhưng
anh đã tiếp tục lùi lại rồi từ giả, quay sang tôi nói vỏn vẹn hai chữ:
“chào anh” rồi quày quả ra đi. Tò mò đến cực độ, tôi hỏi ngay:
- Ai vậy?
-
Đó là linh mục Th., bạn N., bạn cùng lớp ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt,
sau khi chịu chức, anh ấy tình nguyện đi phục vụ ở trại cùi Phước Lý! N.
nó lại còn thêm:
- Gia đình ảnh khá giả lắm, ảnh học giỏi nhất lớp, ba ảnh …, gia đình ảnh …
Tôi
vẫn nghe văng vẳng bên tai những tiếng nói của thằng bạn “đàn em” nhưng
không chút quan tâm đến những gì nó đang nói mà tôi suy nghĩ: đời linh mục, đời hi sinh.
Có
nhiều cha thì chuyện về các cha như những chuyện kể trên đây còn nhiều.
Nay nhân năm linh mục, xin đóng góp một số chuyện để phụ họa vào bao
nhiêu chuyện khác về đời các linh mục.