Năm
1698, Thống suất Nguyễn Hữu Kỉnh (cử tên đọc là Cảnh) được cử vào Nam
kinh lý, lập phủ Gia Định gồm hai huyện: Phước Long (kể từ tả ngạn sông
Sài Gòn ra bờ biển Đông) và Tân Bình (kể từ hữu ngạn sông Sài Gòn tới
sông Vàm Cỏ Đông).
Năm
1808, Phước Long được đổi thành phủ gồm bốn huyện: Bình An, Phước
Chánh, Long Thành, Phước An; Tân Bình cũng thành phủ gồm bốn huyện: Bình
Dương, Tân Long, Thuận An, Phước Lộc.
Phủ
Phước Lộc là địa bàn của dinh Trấn Biên sau đổi ra tỉnh Biên Hòa. Phủ
Tân Bình là địa bàn của dinh Phiên Trấn sau đổi ra tỉnh Gia Định.
Ở
buổi đầu khi mới khai hoang lập ấp, qui chế hành chính còn lỏng lẻo
“người 2 huyện” được phép sinh sống làm ăn xen kẽ nhau. Như người huyện
Phước Long có thể sang lập nghiệp trong huyện Tân Bình, vì thế trong
huyện Tân Bình có tổng Phước Lộc. Và người huyện Tân Bình sang lập
nghiệp bên huyện Phước Long, vì thế trong huyện Phước Long có tổng Bình
An. Sau này, Phước Lộc và Bình An thành huyện.
Huyện
Bình An và huyện Bình Dương tuy thuộc hai tỉnh khác nhau, nhưng cùng ở
hai bên bờ sông Sài Gòn (xưa gọi là sông Tân Bình) nên có nhiều mối quan
hệ thân thiết họ hàng. Chỉ cần qua một khúc đò ngang là trao đổi hàng
hóa và giao lưu văn hóa được ngay. Hai bên còn gần nhau hơn nữa: về phía
Bắc huyện Bình An, xứ Dầu Tiếng ở ngay
tả ngạn sông Sài Gòn kể từ rạch Thị Tính tới biên giới Campuchia, đương
thời thuộc địa phận huyện Bình Dương. Đó là địa phận tổng Dương Hòa Hạ,
một trong sáu tổng của huyện Bình Dương (Dương Hòa Hạ, Dương Hòa
Thượng, Dương Hòa Trung, Bình Trị Hạ, Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung).
Năm 1832, toàn miền Nam chia thành sáu tỉnh.
Năm 1834, gọi Nam Kỳ là lục tỉnh: Biên Hòa, Phiên An (từ 1836 cải thành Gia Định), Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Năm
1837, huyện Bình An chia ra hai huyện Bình An (Thủ Dầu Một) và Ngãi An
(Thủ Đức). Năm 1841, huyện Bình Dương chia ra hai huyện: Bình Dương (Sài
Gòn) và Bình Long (Hóc Môn, Củ Chi) .
Năm
1859, Pháp đánh chiếm Gia Định. Sau khi kháng chiến thất bại, Huế phải
kí hiệp ước 1862 nhượng cho Pháp ba tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định
Tường. Năm 1867, Pháp cưỡng chiếm nốt ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà
Tiên; rồi chia lục tỉnh cũ ra hai mươi tỉnh mới.
Pháp
chia cắt lại địa phận và đặt tên cho các tỉnh mới lập (lúc đầu gọi là
địa hạt, anondissement). Pháp bỏ các mỹ danh hành chính cũ và dùng các
tục danh nghe vừa thô, lại vừa lạ tai, như các tỉnh Chợ Lớn, Gò Công, Bà
Rịa, Bến Tre, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá…lâu lắm rồi mới
quen tai được! Dưới thời Pháp thống trị, đại khái hai bên bờ sông Sài
Gòn là hai tỉnh Gia Định và Thủ Dầu Một. Tỉnh Gia Định nằm trên hữu
ngạn, gồm thêm quận Thủ Đức nằm bên tả ngạn (nguyên là huyện An Ngãi
thuộc tỉnh Biên Hoà). Tỉnh Thủ Dầu Một tựu trung nằm trên tả ngạn và
trên địa phận huyện Bình An cộng với địa bàn tổng Dương Hòa Hạ (tức xứ
Dầu Tiếng, nguyên thuộc Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định).
Không
kể hai huyện Bình Long (1841) và Ngãi An (1837) sinh sau đẻ muộn, chỉ
tồn tại một thời gian ngắn thì hai huyện Bình Dương (Gia Định) và Bình
An (Biên Hoà) đã có những lúc thiết lập địa phận trao đổi nhau. Tình
hình đó kéo dài đến cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 và suốt thời kháng
chiến chống Pháp chín năm với hiệp định Geneve 1954.
Chính
quyền Sài Gòn không chịu hiệp thương thống nhất, rồi ngày 22/10/1956 ra
sắc lệnh số 143NV để “thay đổi địa giới và tên đô thành Sài Gòn – chợ
Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam ”. Địa giới và địa danh các
tỉnh thay đổi rất nhiều, hầu hết địa danh nôm na hoặc phiên âm khó hiểu
đều được bãi bỏ. Địa danh Hán Việt cũ được lấy lại hoặc dùng những chữ
tốt đẹp để đặt tên mới.
Tỉnh Bình Dương được
thiết lập từ đó, tỉnh lỵ được đặt tại Thủ Dầu Một nhưng đổi tên là Phú
Cường (trong địa phận làng này, xưa có thủ sở gần cây dầu lớn nhất !).
Tỉnh Bình Dương nằm giữa các tỉnh Gia Định, Long An, Tây Ninh, Bình
Long, Phước long, Long Khánh và Biên Hoà.
Tỉnh Bình Dương: năm 1956 – 1963, gồm hai quận Trị Tâm – Củ Chi, nguyên xưa nhất là đất thuộc huyện Bình Dương.
Tỉnh Sông Bé:
năm 1975 – 1996, trả phần đất Phú Hoà để làm thành huyện Củ Chi như cũ
và thuộc về thành phố Hồ Chí Minh; gồm 3 tỉnh cũ: Bình Dương, Bình Long,
Phước Long.
Tỉnh Bình Dương năm 1996, vẫn giữ lại “quận Trị Tâm” cũ thuộc huyện Bến Cát.
Tỉnh Bình Phước năm 1996, gồm hai tỉnh Bình Long – Phước Long có trước năm 1975.
Tỉnh
Bình Dương có diện tích 2.237,8 km2 chia ra sáu quận: Châu Thành (171,4
km2), Bến Cát (616km2), Phú Giáo (562,4km2), Lái Thiêu (68,1km2), Củ
Chi (443,8km2), Trị Tâm (376,1km2). Bốn quận trên thuộc địa phận huyện
Bình An (Biên Hoà), hai quận sau (Củ chi, Trị Tâm) thuộc địa phận tỉnh
Bình Dương (Gia Định). Hai quận nguyên thuộc Bình Dương rộng tới
819,9km2. Cho nên, lấy địa danh huyện Bình Dương để đặt tên cho tỉnh mới
này kể cũng là hợp lý.
Tỉnh Bình Long mang
tên này cũng có lý do tương tự: như đã nói trên, huyện Bình Dương mới
lập hồi năm 1841, trên một phần đất của huyện Bình Dương. Huyện Bình
Long khi ấy chia ra sáu tổng: Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy
Trung, Bình Thạnh Thượng, Bình Thạnh Hạ, Bình Thạnh Trung. Năm tổng đặt ở
Củ Chi – Hóc Môn, riêng tổng Bình Thạnh Thượng nằm
ở tả ngạn sông Sài Gòn từ ngả ba rạch Thị Tính đổ lên (thay cho địa
phận tỉnh Bình Dương Hoà Hạ cũ, trước 1841). Giới hạn tổng này lên tới
biên thùy Cmpuchia, tức cũng là một phần của tỉnh mới lập nằm ở phía Bắc
Thủ Dầu Một thời Pháp. Có lẽ vì thế người ta đặt tên cho tỉnh mới đó
(nằm ở Bắc Bình Dương) là Bình Long.
Tỉnh Phước Long
nằm ở phía Đông Bắc hai tỉnh Bình Dương và Bình Long, chỉ là một phần
đất nhỏ của huyện Phước Long xưa (lập từ 1698). Lấy lại tên này để khỏi
mai một địa danh có lịch sử lâu đời vậy.
Chúng
ta trở lại Bình Dương. Từ năm 1965, tỉnh Phước Thành thành lập rồi giải
thể. Tỉnh này nằm ở biên giới phía Đông tỉnh Bình Dương, không liên
quan gì tới phía Tây bên sông Sài Gòn và Gia Định (xin lướt qua). Ngày
15/10/1963, tỉnh mới lấy tên Hậu Nghĩa được thành lập. Tỉnh này nằm giữa
các tỉnh: Gia Định, Long An, Tây Ninh và Bình Dương. Bình Dương phải
chia một phần đất cho Hậu Nghĩa: quận Củ Chi chia ra hai quận là quận Củ
Chi (206,8km2) cho thuộc về Hậu Nghĩa và quận Phú Hoà (237km2) cho
thuộc về Bình Dương. Phần đất xưa kia thuộc huyện Bình Dương bị teo lại
vậy.
Sau
ngày thống nhất 1975, việc phân thiết lại và đặt tên mới cho các tỉnh
rất sôi nổi. Một số tỉnh bị giải thể, một số tỉnh được bành trướng. tỉnh
Hậu Nghĩa bị xoá sổ, trả lại địa phận cho các tỉnh Long An, Tây Ninh và
thành phố Hồ Chí Minh mới lập (phần quận Củ Chi). Ba tỉnh Bình Dương,
Bình Long, Bình Phước nhập một gọi là tỉnh Sông Bé. Tỉnh Bình Dương trả
lại quận Phú Hoà cho thành phố Hồ Chí Minh. Quận Củ Chi (Hậu Nghĩa ) và
quận Phú Hoà (Bình Dương) nhập lại thành huyện Củ Chi của ngoại thành
thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 6/11/1996, Quốc hội đã ra nghị quyết tách tám tỉnh. Riêng với Sông Bé, văn kiện ghi :
Tỉnh Sông Bé
được sáp nhập từ hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, của địa bàn rộng,
địa hình phức tạp, vừa có miền núi, biên giới, vừa có đồng bằng và trung
du, có diện tích 9.532,72km2, dân số 1.177.874 người, nay được chia
thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Tỉnh Bình Dương có
diện tích tự nhiên 2.718,50km2, dân số 646.317 người; gồm bốn đơn vị
hành chánh cấp huyện: thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Tân Uyên,
Bến Cát. Tỉnh lỵ dặt tại thị xã Thủ Dầu Một.
Tỉnh Bình Phước có
diện tích tự nhiên 6.814,22km2 dân số 531.557 người; gồm năm đơn vị
hành chánh cấp huyện: Đồng Phú, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đăng, Bình
Long. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Đồng Xoài (thuộc huyện Đồng Phú).
(Nhà nghiên cứu địa bạ Nguyễn Đình Đầu - “Thủ Dầu Một – Bình Dương Đất lành chim đậu” – NXB Văn Nghệ tp. HCM 1999)