Cây đa có cội, con sông có nguồn
Như thông lệ hằng năm, vào ngày mùng năm Tết Âm lịch, đông đảo quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ cùng quý bà con gốc Họ Đạo Búng – Làng Hưng Định cùng
tề tựu về Đất thánh của Họ đạo để cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ kính nhớ
Ông bà tổ tiên. Đây cũng là dịp để bà con đồng hương tìm gặp lại nhau
và cùng nhau ôn lại các giai đoạn thăng trầm của Họ đạo và công đức của
các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn vùng đất Búng này. Tưởng cũng nên
nhắc lại một chút quá trình hình thành nên Họ đạo Búng và làng Hưng
Định:
“ Giáo Xứ Búng
được phôi thai từ thời vua Gia Long (1802 - 1819), do công của ông Tổ
có tên là Bình, một người Công Giáo quê ở Quảng Bình,(có tài liệu ghi là
Quảng Ngãi) làm quan giữ chức Tri Châu. Sau khi về hưu, ông Bình cùng
gia đình đến vùng đất phía nam để sinh sống và nhất là để giữ đạo. Lúc
đó đất Búng còn là vùng rừng và đầm lầy mênh mông, gia đình ông đã khai
hoang và lập làng. Làng mới này mang tên hai người con của ông: Làng Hưng Định
(Nguyễn Thị Hưng và Nguyễn Văn Định). Trong khi xây dựng làng Hưng
Định, ông cũng chú ý đến việc hình thành một họ đạo. Thế là Giáo xứ Búng
đã bắt đầu từ đó. Làng Hưng Định xưa, bây giờ là Xã Hưng Định. Ngày nay
dân Chúa ở Giáo xứ Búng vẫn còn mang ơn ông. Phần mộ của ông và của các
con ông vẫn còn đó như là dấu tích ghi nhớ trăm năm về một công lao
không thể xóa nhòa. Mọi người trên đất Búng vẫn bảo nhau: "Ăn quả" hãy
"nhớ người trồng cây".
Do
các biến động của nhà Nguyễn và sự bách hại đối với Giatô đạo, vì thế
phải qua tám triều vua: Gia Long (1802-1819); Minh Mạng (1820-1840);
Thiệu Trị (1841-1847); Tự Đức (1847-1883); Dục Đức (20-23/07/1883); Hiệp
Hòa (30/07-29/11/1883); Kiến Phúc (02/12/1883-31/07/1884); Hàm Nghi
(02/08/1884-19/09/1885); Đồng Khánh (1885-1889), Họ
đạo Búng mới thực sự hình thành, từ năm 1862 đã có linh mục đến phục vụ
giáo xứ. Hai linh mục: Francois Rémi Lizé và sau đó là Gioan Khiêm đến
xứ Búng nhưng phục vụ ít thời gian thì rời xứ. Lúc này, tình thế chưa ổn
định.
Sau đó, cha Antôn Nguyễn Văn Võ (1837-1886), thụ phong Linh
mục ngày 07/01/1866 do Đức cha Jean Claude Miche, được sai đến Búng từ
năm 1867, và công việc mục vụ bắt đầu thành hình. Sổ rửa tội được cha
ghi bắt đầu từ năm 1875. Cha đã phục vụ Búng từ năm 1867 đến khi qua đời
(06/10/1886) tại Búng và được an táng trong nhà thờ trước bàn thờ Đức
Mẹ.( X. " Les pretres indigènes", ở Tòa TGM/TP.HCM).
Kể
từ ngày thành lập đến nay, Giáo xứ Búng đã trải qua 10 triều đại Giáo
hoàng: Lêô XIII (1878-1903); Piô X (1903-1914); Bênêđictô XV
(1914-1922); Piô XI (1922-1939); Piô XII (1939-1958); Gioan XXIII
(1958-1963); Phaolô VI (1963-1978); Gioan Phaolô I (33 ngày-1978); Gioan
Phaolô II (1978-2005) và Bênêđictô XVI (2005-2013).
Và
cũng có một gia đình nguyên quán ở Huế vốn dòng quyền quý, đã từng phò
vua giúp nước, đã di cư vào Nam , định cư ở xứ Búng. Đó là gia đình của
ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Thường. Không rõ vì lý do
nào mà cuối đời Gia Long (1802 – 1820) hai ông bà rời quê quán, cùng
các con vào Nam , định cư ở vùng Cầu Ngang. Chính tại nơi ở mới này mà
đứa con út là Phêrô Đoàn Công Quí đã được sinh ra vào năm 1826.
Kể
từ đó cho đến nay có khoảng 50 linh mục đến phục vụ tại giáo xứ Búng.
Trong số đó có nhiều vị đã từ trần và an táng tại Giáo xứ Búng.
Có lẽ
do mang dòng máu của thánh Tử đạo trong lòng dạ mình, vì thế, Giáo xứ
Búng là một trong các giáo xứ sinh ra nhiều ơn gọi nhất. Tính đến nay số
linh mục là 46 (kể cả thánh Phêrô Quí), trong đó có hai vị là giám mục;
số tu sĩ nam nữ khoảng 300 vị”
Chủ tế thánh lễ hôm nay là Cha Micae Lê Văn Khâm,
Tổng đại diện, Giáo phận Phú Cường, cùng đồng tế với ngài là quý Cha
gốc họ Búng: Cha Giacôbê Trần Công Báu, đang hưu dưỡng; Cha Philipphê
Trần Tấn Binh, Chánh sở Dầu Tiếng; Cha Giuse Nguyễn Công Danh, Chánh sở Lán Tranh, Giáo phận Đà Lạt;Cha Phêrô Nguyễn Văn Hữu,Dòng Tên, Cộng đoàn Ngũ Phúc, Giáo phận Xuân Lộc; Cha
Titô Nguyễn Minh Nhường, Chánh sở Mỹ Hảo; Cha Marcô Thương Nguyên Khôi,
Cha phó Tân Thông; Cha Titô Trần Nguyên Lãm, hiện đang du học, cùng với
Cha sở Micae Nguyễn Văn Minh, hai cha phó Vinh sơn Nguyễn Minh Tuấn và
Giuse Lê Anh Hùng.
Với
tâm tình đơn sơ và giản dị, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hữu ,SJ, chia sẽ trong
phần giảng lễ rằng: Kính nhớ ông bà tổ tiên là kính nhớ Thiên Chúa bởi
vì Thiên Chúa tạo nên loài người và không chỉ kính nhớ các bậc tổ tiên
đã khuất mà còn phải thương yêu cha mẹ còn sống của mình. Nhớ ơn ông bà
tổ tiên đã khai khẩn vùng đất này từ thời còn hoang địa, hoang vu, để
cho đến hôm nay trở nên trù phú và đông đúc. Cha cũng gợi lại niềm tự
hào một thời của Họ Búng là nơi sản sinh ra nhiều ơn gọi tu trì phục vụ
cho giáo hội. Cha kể vui rằng, những lúc cha được mời đi giảng tĩnh tâm,
hầu hết ai cũng cho rằng Cha là người Miền Trung, chính xác hơn là
người Bình Định, vì giọng của Cha nghe hệt như vậy. Cha nói, tôi thì ở
Búng nhưng vì ông bà tổ tiên ở miền Trung vào đây sinh sống nên tôi được
thừa hưởng cái giọng như vậy, ngang qua đó, Cha hàm ý nhắc nhở, các thê
hệ con cháu cần tiếp nối truyền thống tốt đẹp của ông bà tổ tiên trong
việc giữ gìn đời sống đức tin Công giáo, quan tâm đến ơn gọi tu trì,
sống đời sống yêu mến Thiên Chúa, yêu thương con người đã sinh ra người.
Trong
phần kết lễ, Cha Titô Nguyễn Minh Nhường, Trưởng Ban Tổ Chức, lưu ý
rằng: Rất mong muốn ngày này hằng năm, ngày mùng 5 Tết Âm lịch, sẽ là
ngày qui tụ tất cả đồng hương họ Búng họp mặt tại nơi này. Mặc dầu, có ý
kiến là không cần thiết gửi thư mời vì đã có ngày, giờ ấn định từ
trước, nhưng Ban Tổ Chức đã và sẽ gửi thư mời, tuy nhiên, một điều chắc
chắn rằng sẽ có thiếu, sót. Kính mong những ai không nhân được thư mời,
vì thiếu sót của Ban Tổ Chức, cũng vui lòng về họp mặt đông đủ nhằm thắt
chặt tình đồng hương Họ Búng chúng ta.
Sanh Quới
Lúc 08 giờ 30: Đón tiếp quý quan khách và quý đồng hương
Lúc 09 giờ 00: Dâng hương lên Ông bà tổ tiên
Lúc 11 giờ 00: Tiệc mừng tại nhà Trưởng lão Giuse Nguyễn Văn Binh (Hào Binh)
Sanh Quới