THỜI KỲ HÌNH THÀNH (1875 - 2007)
H.CHA SỞ THỨ TÁM: CHA ROBERT KELLER
Sau cha Anrê Miều là cha R.KELLER
Robert,
Jacques KELLER sinh ngày 18 tháng 02 năm 1885 ở Soultz (Sulz) giáo phận
Strasbourg, trong một gia đình công giáo đạo đức. Gia đình này đã dâng
cho Hội Truyền Giáo Paris ba con trai là :Charles, Adolphe, và Robert.
Robert
học tiểu học ở Soultz. Tháng 10/1899, Ngài bắt đầu học cấp hai ở học
việc Thánh Maria, ở Belfort, và đã hoàn tất việc học ở đó vào tháng
07/1906.
Ngày
08/09/1906, Ngài vào chủng việc của Hội Truyền Giáo, ngày 20/09/1907,
chịu chức cắt tóc. Ngày 27/09/1908, các chức nhỏ. Ngày 18/12/1909, chịu
chức phụ phó tế. Ngày 12/03/1910 chịu chức phó tế. Ngày 24/09/1910, thụ
phong linh mục (lúc 25 tuổi). Nhận nhiệm vụ ở Sài Gòn, Ngài đã đến vào
ngày 11/12/1910. (sau 3 tháng lãnh chức linh mục).
Khi
đến Đông Dương, Ngài gặp lại 2 người anh : Cha Charles, người anh cả
đang làm việc trước đó một vài năm ở Cambốt. Còn cha Adolphe, anh kế thì
trước đó 3 năm đã làm việc ở Sài Gòn. Người anh này đã bị sát hại ngày
02/01/1946 ở Cái Bè, và nơi này cha Adolphe đã xây một nhà thờ đẹp nhất
Nam Kỳ.
Cha
Charles Keller sinh ngày 03/10/1876, thụ phong linh mục ngày
24/06/1900, đi Cambốt ngày 25/07/1900. Năm 1902, về Cô co, Sóc Trăng.
Năm 1921, quản trị Sóc Trăng, qua đời tại Sóc Trăng ngày 22/10/1953, thọ
77 tuổi.
Cha
Adolphe Keller sinh ngày 24/12/1877, thụ phong linh mục ngày
22/06/1902, đến Việt Nam 30/07/1902. Sau khi học tiếng Việt, cha được
nhận nhiệm sở Cái Bè. Năm 1930, bắt đầu xây nhà thờ. Ngày 24/12/1945 bị bắt dẫn đến đồng trồng cây cói và 2 tuần sau đó, bị sát hại ngày 02/01/1946, thọ 69 tuổi.
- Đức
Giám Mục Mossard đưa nhà truyền giáo R.Keller đến Cái Mơn, họ đạo này
có hơn 5000 tín hữu , để Ngài học tiếng Việt, và làm quen với phong tục
tập quán xứ sở. Cha Robert đã sống ở đó năm 1911 và 1912.
- Năm 1912 – 1913 Ngài ở Phú Hiệp gần Cái Mơn
- Năm 1913 – 1914 Ngài đi đến Cấp St.Jacques (Vũng Tàu).
- Năm 1914 – 1916 Ngài phục vụ Cau – Ngan
- 1916 – 1919 Ngài phục vụ Mai Phốp, gần Bãi San.
- Năm 1919 – 1922 Ngài ở Cái Bè
Năm 1921 lúc 36 tuổi Ngài bị đau nặng, và đầu năm 1922 Ngài buộc phải trở về nước Pháp và ở đó hai năm. Ngày 31/12/1924, khi trở lại xứ truyền giáo, Ngài được chọn làm cha quản hạt và là cha sở họ Búng, lúc đó Ngài 39 tuổi. Họ đạo Búng là một họ tốt với 2000 tín hữu, cách Sài Gòn 24 km và Ngài ở lại Búng cho đến chết ngày 17/06/1963, thọ 78 tuổi.
a. THEO SỔ RỬA TỘI CÒN LƯU TẠI HỌ BÚNG
Cha
Anrê Miều rửa tội cho Tôma Nguyễn Văn Đỏ ngày 17/02/1925. Cha Robert
Keller bắt đầu rửa tội cho Anrê Nguyễn Văn Sáu ngày 28/02/1925.
Vậy cha R.Keller đã ở Búng từ tháng 02/1925 đến 07/06/1963 (38 năm)
b. CHA R. KELLER XÂY CẤT RẤT NHIỀU
+ Nhà thờ Bến Sắn bị hư hại trong thế chiến thứ hai.
+ Nhà thờ Bà Trà xây cất năm 1941, nay (2007) vẫn còn
+ Nhà thờ Long Cầu, bị sập trong chiến tranh
+ Nhà thờ Bố Mua (Vĩnh Hòa)
+ Nhà thờ Búng đã được xây từ năm 1888.
Đến
năm 1953, cha R. Keller cho sửa lại: Bỏ 2 hiên có mái lợp chung quanh
nhà thờ, thay kính màu ở cửa sổ, làm trần nhà thờ bằng gỗ Bời Lời, gỗ
Sao từ Bến Sắn đem về, và tô bên ngoài các lối đi ở giữa và bên nam nữ
được lót gạch bông, ba bàn thờ trong nhà thờ được sửa chữa lại hoàn
toàn.
Ngày
04/09/2005, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, sứ thần Tòa Thánh
tại Cộng Hòa Trung Phi và Tchad đã cung hiến nhà thờ và bàn thờ giáo xứ
Búng.
+ Tháp nhà thờ Búng
là công trình được xây cất năm 1956 kiểu tháp được sao chép lại tháp
chuông ở nhà thờ Cái Bè, nơi người anh của Ngài là cha Adolphe Keller đã
phục vụ.
Toàn họ
đạo kẻ của người công, chung sức làm việc, dưới sự chỉ huy của ông
Phêrô Nguyễn Văn Vui (1902 – 1969)(Cha của ông Sướng, Sáng (Lung), các
dì Sáu, Vân, Tùng, ông nội của Linh mục Giuse Nguyễn Công Danh , giáo
phận Đà Lạt,). Tháp này cao 42 mét.
Trước
đó tháp chuông bằng cây được dựng ở đất đài Thánh Quí bây giờ. Khi tháp
xây xong, thì đưa 3 quả chuông về tháp mới ngày lễ Đức Giêsu là Vua
(theo lời một thợ xây tháp kể lại). Khi xây tháp, Ông Phêrô Nguyễn Văn
Chấn (hai Chấn, nhà ở trước nhà thờ) là thợ đang ở trên cao (khoảng 20
mét) ngồi trên tấm ván để cột kẽm thì một cái ky hồ rớt trúng xuống, ông
bật ngữa ra sau, và may thay có một cái cây ở sau lưng chịu ông lại….và
sau đó ông trèo xuống đất!.
Sau
những tháng xây cất thì dựng tượng Thánh Quí. Tượng Thánh Quí được xe
cẩu đưa lên theo chiều thẳng đứng và để ngay trên bệ xây sẵn. Phía sau
lưng bức tượng có một khoảng trống, để các thợ hồ đem gạch thẻ chất vào
trong bức tượng.
Ngày
17/02/1960, Đức Giám Mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, ở Sài Gòn đã làm
phép tượng Thánh Phêrô Đoàn Công Quí, có đông các linh mục và giáo dân
đến dự lễ tôn vinh Thánh Quí, người linh mục đầu tiên của họ đạo Búng đã
anh dũng hi sinh (1826 – 31/07/1859).
+ Hang núi Đức Mẹ Lộ Đức (Lourdes):
Cũng do cha R. Keller xây cất nhưng không rõ năm nào.
+ Nhà các dì Mến Thánh Giá Thủ Thiêm :
Theo tài liệu của hội Dòng, khi nói về ‘BÚNG’ có ghi như sau : ‘Trong
khoảng thời gian cha R. Keller coi sóc họ đạo Búng, đã có rất nhiều chị
em luân phiên nhau đến cộng đoàn Búng phục vụ….Chính cha đã giúp xây
ngôi nhà gạch, mái ngói mà các chị đang ở hiện nay.’
Lưu ý :
Mái lợp ngói móc, gạch thẻ xây tường dầy 20 cm, nhà cao ráo, rất mát
mẻ. Ngày 13/07/2006 Hội Dòng đã cất một ngôi nhà khác hiện đại hơn, thay
cho ngôi nhà do cha Keller cho xây..
Bên hông nhà thờ Búng trước năm 1945 có một ngôi nhà làm mủ cao su. Nhà này bị đốt cháy vào năm 1946, nay không còn.
Cha R. Keller đã trồng xung quanh nhà thờ nhưng cây sao. Đến nay (2007) còn lác đác một vài cây.
Đất
đai nhà thờ cũng nhiều. Cha cho giáo dân ở để qui tụ họ lại dễ dàng cho
công việc mục vụ. Sát cạnh nhà thờ, ở mỗi bên cũng có ba nhà giáo dân
ở.
Đào tạo thiếu nhi :
+ Việc đạo đức
Các
thiếu nhi trong họ đạo phải học giáo lý Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức và
Bao Đồng. Việc này do các dì Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phụ trách.
Mỗi
ngày chỉ có một thánh lễ vào buổi sáng, nên các học trò từ lớp năm đến
lớp nhất (bây giờ từ lớp một đến lớp năm) sau khi tan học ban chiều thì
vào nhà thờ đọc kinh, viếng thánh thể.
Các thiếu nhi trong thời kỳ này siêng năng dự lễ, nhờ các dì khuyên bảo và hướng dẫn là chính yếu.
Một
gần nhà các dì, một ở gần nhà cha sở. Các con em trong họ đạo được dạy
học cấp tiểu học từ lớp năm đến lớp nhất. Các dì rất nhiệt thành lo cho
các em. Theo thống kê của hội dòng, 38 năm cha sở Keller ở họ Búng. Hội
Dòng đã gửi 87 dì và cô của hội dòng đến đây, để dạy đạo và dạy học.
Họ đạo có truyền thống đạo đức tốt, do được các dì hướng dẫn từ nhỏ, nên có nhiều ơn gọi trong số các thiếu nhi nam cũng như nữ.
Nói
riêng về các linh mục được thụ phong trong thời cha R. Keller là 12
linh mục và sau khi cha Keller mất thì lại trổ hoa linh mục thêm 5 người
nữa.
Về số nữ tu, có lẽ cũng trên 100 người.
3. CÁC CHA PHÓ (THỜI CHA KELLER)
Có tất cả 9 cha phó giúp cha Keller để phục vụ họ đạo :
1) Cha Gioan Baotixita Dưỡng (1929 – 1930)
2) Cha Carôlô Nhơn (1930 – 1934)
3) Cha Tôma Trí (1934 – 1935)
4) Cha Giuse Công (1935 – 1938)
5) Cha Phêrô Cầu (1939 – 1943)
6) Cha Matthêu Luật (1943 – 1946)
7) Cha Phêrô Thì (1946 – 1951)
8) Cha Giuse Kinh (1951 – 1952)
9) Cha Tôma Sum (1952 – 1963)
Vì không có tài liệu nên chỉ ghi những gì giáo dân kể lại.
a. ĐỜI CHA G.B DƯỠNG (1929 – 1930)
Ngày
19/12/1929 ĐGM Dumortier đến họ đạo để ban bí tích Thêm Sức cho 174 con
em. Họ đạo tổ chức đón rước Đức Giám Mục. Ngài đi bộ khảo giáo lý các
thiếu nhi. Ông Út Hiếu kể lại :
Các em đứng đón Đức Cha ở ngã ba Đất Thánh (bây giờ là ngã tư Bà Lè), Đức Cha đi bộ khảo giáo lý.
Đức Cha hỏi một em : ‘Đức Thánh Phapha (Đức Giáo Hoàng) ở đâu’ ?. Em đó thưa : ‘Dạ thưa ở nhà tạm’
Lúc đó cha phó G.B Dưỡng đi phía sau Đức Cha và cha sở Keller cố gắng nhắc nhở các em.
Sau đó Đức Cha ra viếng họ Bình Sơn. Cha Tuần, cha Phương có bài mừng Đức Cha, cha sở Keller, cha phó G.B Dưỡng.
Bài cám ơn của họ đạo nhân dịp này được ông Út Hiếu ghi lại như sau :
Nay hiệp nhau trẻ già lớn nhỏ
Tặng đôi lời cúi tỏ cảm ơn
Công Đức Cha biết lấy chi đền
Nguyện Chúa cả thường sinh xuống phước
Sau dâng kính chúc mừng cha sở
Trước quới chức cùng là bổn đạo
Để trong lòng tích nhớ muôn đời…
Sau dâng kính chúc mừng cha phó
Mấy tháng nay công khó ra vào
Lời cha giảng dường bằng lửa đốt
Đốt lòng con nên thánh nên người….
b. ĐỜI CHA MATTHÊU LUẬT (1943 – 1946)
Năm
1943, Cha tổ chức diễn tuồng giáng sinh. Cha cùng với ông ba Thượng (
ba của bà Hoa, ông Phẩm, Trực, Trung, và Thạnh) lập ra ban hát nam. Cha
cùng với ông Ba lập ra đội banh của họ đạo, khiến cho họ đạo vang tiếng
một thời về việc này.
Hiện nay, ca đoàn họ đạo còn hát bài DÂNG LÒNG
do cha sáng tác để tôn kính Thánh Tâm, bổn mạng của họ đạo. Bài hát có 3
bè : Soprano, Alto và Basso, cung Đô trưởng và chuyển cung Đô thứ ở
giữa bài. Bài này hay, cảm động, là đặc sản của ca đoàn Búng.
c. ĐỜI CHA PHÊRÔ THÌ (1946 – 1951)
Thường
xuyên tổ chức rước kiệu Đức Mẹ. Dịp lễ Giáng Sinh, thường có kiệu Chúa
Hài Đồng. Cha Phêrô thích bắn chim, ghét đánh bài. Có lần cha gặp một
người trai tráng Công Giáo đang chơi bài, Ngài đã ‘phết’ cho máy roi.
Cha
Phêrô với sự cộng tác của ông Năm Qua (gọi là thầy Năm Qua, em của ông
Hai Chính, cha Từng (Tuần) ông Tư Ngự) đã cho ra mắt các vở tuồng sau :
- Tết 1949 diễn tuồng : Quan Thành Đức (tập 1), Lão Hà Tiện
- Tết 1950 diễn tuồng : Quan Thành Đức (tập 2) Sébastianô tử đạo, Gỡ mặt nạ người phi nghĩa.
- Tết 1951 : Utakiô, Vitô tử đạo
- Tết 1952 : Thánh Alêxù , Lão triệu phú
Đoàn
kịch có những chuyến đi diễn : 1950 ở Lái Thiêu, 1952 đi diễn ở Bà
Chiểu. Thầy Năm Qua cũng qui tụ thanh niên, lập ra đội kèn đồng với
khoảng 10 nhạc công.
d. ĐỜI CHA TÔMA NGUYỄN VĂN SUM (1952 – 1963)
Sinh năm 1925 trong gia đình có 5 người con: 4 gái (là chị) và 1 trai (cha Tôma, con trai út, duy nhất)
- Thụ phong linh mục ngày 29/03 1952
- Làm cha phó ở Búng từ 1952 – 1963. một giáo dân kể rằng khi cha đến Búng, chỉ xách có túi đồ, đi bộ vào mà không ai biết.
- Cha sở Dầu Giây 1963 – 1968
- Cha sở Biên Hòa 1968 – 1998
- Qua đời tại Biên Hòa, thứ Ba 24/10/2006, hưởng thọ 81 tuổi.
Lễ
tang của Ngài có 2 Giám Mục là Đaminh Nguyễn Chu Trinh- GM Xuân Lộc, và
GM Tôma Nguyễn Văn Trâm – GM Bà Rịa – Vũng Tàu, và trên 100 cha đồng
tế, với đông đảo tu sĩ và giáo dân tham dự.
Ngài được đi an táng ở đất thánh ‘Chúa Chiên Lành’ (dành cho các cha ở Giáo Phận Xuân Lộc) ở Thái Hòa, cách Biên Hòa 10 km.
2) Ở HỌ BÚNG (1952 – 1963):
Trong 11 năm làm cha phó ở Búng
(lúc này cha Keller đã 67 tuổi). Cha Tôma rất tích cực lo toan mọi
việc. Có thể tóm tắt như một giáo dân đã nhận xét về cha như sau :"Cha
vui tính, thích hoạt động, cha vẽ cũng khá. Cha sáng tác nhiều bài cho
các vở tuồng, và một số bài thánh ca. Cha làm văn xuôi, văn vần rất hay.
Cha tổ chức các lễ lớn rất trọng thể và chu đáo, đặc biệt là các cuộc
rước kiệu. Các vở tuồng thời ấy thì nay khó tổ chức lại được, vì rất hao
tốn và nhiều công sức’.
Cụ thể cha Tôma đã để lại tại Búng :
1. 45
bài thánh ca với bút danh Đức Hiệp. Đa số các bài hát có chủ đề về Bí
Tích Thánh Thể và Đức Mẹ Maria. Các bài được sáng tác 2 bè. Có một bài
tựa là ‘Hỡi đất trời ca tấu lên’ hát về tông đồ đang thịnh hành ở xứ Búng.
2. 11
vở tuồng ( dài khoảng 2 tiếng đồng hồ/mỗi tuồng) hiện nay Ông Út
Vincent Nguyễn Văn Thơi đang giữ. Những vở tuồng này thường được diễn
vào dịp tết, tối mùng 1 – 2 – 3 để gây quĩ, lo các cuộc rước kiệu, và
các việc mục vụ khác.
+ 1954 : 2 tuồng : Giáo hội như thuyền trên sóng, Hai con đường
+ 1955 : 2 tuồng : Bánh và Đạo, Phút chia ly
+ 1956 : 2 tuồng : Thánh Alêxù, Bên nấm mồ mẹ
+ 1957 : 1 tuồng : Tổ phụ Giacốp
+ 1958 : 1 tuồng : Ba giọt máu hy sinh
+ 1959 : 1 tuồng : Vì nghĩa quên mình
+ 1960 : 1 tuồng : Tiếng phán qua bao thế hệ
+ 1961: 1 tuồng : Lời trối trên đồi Can-va
Trường
học gần nhà các Dì là nơi diễn tuồng, các lớp được phân ra bằng những
tấm ván, khi diễn tuồng thì dẹp ván và có một hội trường lớn. Khán giả
thời đó không chỉ là người có đạo, mà cả những người lương cũng đến xem
rất đông. Thời đó, cha sở Keller không cho con gái diễn tuồng chung với
con trai do đó nhiều thanh niên nam rặt đã giả gái rất thành công. Nhiều
xảo thuật tinh vi đã được áp dụng trong các vở tuồng, nên khán giả rất
tán thưởng. Chẳng hạn cảnh quỷ bay lượn lên xuống, hỏa ngục đỏ rực, cảnh
trả lại đôi mắt cho người mù từ tay thiên thần bằng cách cho đôi mắt
bay từ thiên thần đến cặp mắt người mù….vô cùng hấp dẫn.
3) VỀ NHỮNG CUỘC RƯỚC KIỆU
Mỗi năm có 3 cuộc rước kiệu trọng thể:
Giáo
dân bằm cỏ rải trên đường kiệu, tô điểm bằng những hoa phượng đỏ, làm
thành tấm thảm suốt đường kiệu dài, để cha sở cầm Mình Thánh Chúa đi
trên đó. Ở những chỗ kiệu quan trọng, cha Tôma cho làm những động to
(giống như của tam quan) bằng vải sơn vàng, khắc chữ, vẽ hình, khung
bằng cây rất đẹp. Khi kiệu thì chuông trống thay phiên khắc, hòa với
tiếng hát suốt cuộc rước.
Rước kiệu Đức Mẹ (Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08/12)
Rước
về đêm, nên cần đèn là chính, ở mỗi chỗ quan trọng có những cái động to
(dán hình, chữ, đèn bên trong) rất rực rở. Không lần nào kiệu mà không
có ít nhất 5,6 cái động như thế. Ở chỗ dừng chân thì có đài cao, trang
hoàng lộng lẫy.
Cũng
như rước kiệu Đức Mẹ, ngôi sao dọc theo đường kiệu, bên trong đốt nến,
khoảng vài trăm cái. Khi đi kiệu, có bắn trái sáng rất nhiều (pháo thăng
thiên, hỏa châu).
Cũng nói thêm rằng:Những cuộc rước kiệu này là truyền thống có từ thời trước khi cha phó Tôma về xứ Búng.
+ Năm
1942, đời cha phó Phêrô Cầu, có cuộc rước kiệu Đức Mẹ ra khỏi nhà thờ,
đi đến ngã ba Bến Bụi (đường vô lò chén Chùm Sao), rẻ trái về đường nhà
bà bảy Khá (Cô của Ông hai Kỉnh, cha Đức và Cha Khâm). Đến trại của ông
Trang (khu đất nhà ông sáu Trực), có một cổng chào tam quan lớn, trang
trí công phu, khi bàn kiệu đến, dừng lại, một dàn pháo bông rực rở bắn
lên trời, hiện hình Đức Mẹ chấp tay, 2 Thiên Thần chầu và ở dưới chân
Đức Mẹ có chữ Ave Maria.
+ Đời
cha Phêrô Thì (1946 – 1951) cuộc rước kiệu đã đi lên ngã ba Dốc Sỏi,
vòng trái đi thẳng về chợ Búng. Tại Chợ Búng, có một đài rất lớn, lộng
lẫy công phu thu hút rất nhiều người xem và thán phục. Sau đó đi đến cầu
Bà Hai và quẹo về nhà thờ.
+ Ngoài
ra, hằng tháng, buổi chiều chủ nhật đầu tháng lúc 3 giờ, có kiệu Đức Mẹ
vòng quanh nhà thờ, sau đó chầu phép lành trọng thể.
Tóm lại, vào thời cha Keller và 9 cha phó, từ năm 1925 đến 1963, họ Búng có nhiều cái đáng nhớ.
Sự cộng tác của hàng Quới chức ( Trùm, Câu, Biện) rất tích cực. Mọi tổ
chức lễ lớn đều có mặt quới chức: Chỉ huy là cha phó, thực hiện là quới
chức và thanh niên.Khiêng kiệu lộng Thánh Thể là quới chức (Khăn đóng,
áo dài đen, quần trắng, vai đeo băng quới chức). Khiêng kiệu Đức Mẹ thì
do các cô trong Hội Con Đức Mẹ. Xin tiền Hội Thánh Phêrô thì do các ông
trong Hội đảm trách. Chính quới chức là người giữ kẻ liệt và đưa các cha
đi kẻ liệt. Tổ chức chuẩn bị kịch nghệ, rước kiệu từ vài tháng trước.
Cộng tác rất tích cực, cha con luôn hồ hởi, chung nhau làm việc, chung
nhau lo cho họ đạo.
4. NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI CHA KELLER
Ngày 22/09/1960, nhân dịp kỷ niệm 50 năm linh mục (lễ vàng, Kim khánh linh mục) và 35 năm làm cha sở họ đạo Búng.
Đức Giám Mục Sài Gòn là Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã đến họ đạo, cùng
với khoảng 40 linh mục (các cha M.E.P cũng khá đông), nhiều tu sĩ nam
nữ, các quới chức và vô số giáo dân đến nhà thờ mừng Cha Sở, lúc này
Ngài đã già yếu, 75 tuổi rồi. Sau thánh lễ, tiệc mừng Ngài được tổ chức
tại trường học (gần nhà Dì). Đây là những gì Thiên Chúa và giáo hữu muốn
trả ơn cho cha lần cuối, bởi vì sau đó Ngài rất yếu. Trong một thánh lễ
Phục Sinh lúc nữa đêm về sáng. Ngài đã ngất xỉu, và cha phó Tôma phải
thay thế. Cũng nên nhớ lại, thời đó việc giữ chay rước lễ rất ngặt,
phải trước 3 tiếng đồng hồ, do đó đã già lại đau yếu, mà cha sở còn dâng
Thánh lễ bằng tiếng La tinh hát trọng thể….. nên không chịu nổi.
Năm
1961, Ngài đau nhiều nên đi dưỡng bệnh ở bệnh viện Saint Paul ở Sài
Gòn, lúc đó cha Delagne (MEP) cũng đang ở đó hưu dưỡng. Giáo dân thường
xuyên đến đó thăm Ngài. Nhận thấy không cần săn sóc gì đặc biệt, nên
giáo dân đưa Ngài về họ đạo và chăm sóc Ngài. Lúc này cha Keller đã lẫn
lộn rất nhiều. Hằng ngày, Ngài thường đi lên Đất Thánh, mặc áo dòng đen
trơn, chống gậy, tay cầm chuỗi và đi. Có lúc Ngài khỏe, vài ông Quới
chức đề nghị Ngài xin về Pháp để tịnh dưỡng, Ngài nói: “Ở bên đó không còn ai, nếu Cha chết thì cha chết ở đây”.
Vào
một sáng ngày chủ nhật, tháng 11/1961, có trận đánh bót ở trước nhà
thờ, khi nghe nhiều tiếng súng nổ, cha đã ra trước hiên nhà cha sở và
quát to: “Vậy mà đừng có bắn nghe không ?”
Vào
tháng 5/1963, Ngài kiệt sức, giáo dân lại đưa Ngài vào bệnh viện Saint
Paul ở Sài Gòn. Ngày chủ nhật 02/06/1963, cha Dozance Bề trên Miền, ban
các bí tích sau hết cho Ngài. Thứ tư, Ngài được đưa trở về họ đạo Búng.
Các quới chức thay nhau chăm sóc và trông coi Ngài cả ngày lẫn đêm.
Ngày
thứ hai 17/061963, Ngài đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Tiếng
chuông báo tử đã vang lên. Nỗi buồn to lớn lan khắp họ đạo. Cha sở
Robert Keller sau khi đã phục vụ 38 năm tại Họ Đạo Búng đã vĩnh viễn ra
đi. Giáo dân chạy đến đông nghẹt để nhìn cha sở thân yêu của mình, nước
mắt ràn rụa.
Ngày
thứ ba , 18/06/1963,. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (nhận
giáo phận ngày 02/04/1961) thay cho Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền,
các cha Dozance, de Monjour, Remand, Troger, và nhiều linh mục Việt Nam,
cùng cả Họ Đạo Búng, tham dự nghi thức tẩn liệm cha cố Keller, và di
quan vào trong nhà thờ. Hai ngày trong nhà thờ mà cha suốt 38 năm đã
từng dâng lễ, giảng dạy, và quì cầu nguyện mỗi trưa trước giờ cơm (đến
nỗi, ghế quì của Ngài đã có hai vết lõm xuống ) với bao người đến cầu
nguyện và kính viếng.
Ngày
thứ năm, 20/06/1963, Thánh lễ an táng do Đức Tổng Giám Mục Phaolô
Nguyễn Văn Bình cử hành. Các cha và các thầy thuộc gốc Họ Búng đều có
mặt để tiễn đưa người cha đã hướng dẫn mình đi theo ơn gọi. Các nữ tu
gốc Búng rất đông đến để tiễn đưa cha già đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Thật
vậy, từ nay, Cha cố Robert Keller luôn an nghỉ bên đoàn con mà cha đã
từng dẫn dắt và lo toan từ việc đạo đến việc đời. Ngôi mộ của cha được
đặt trước đài Thánh Quí, để con cái trong họ đạo khi đi qua lại đều biết
rằng có một người Linh mục ở Pháp thuộc Hội Truyền Giáo Paris (MEP), đã ở đây phục vụ 38 năm với tất cả nhiệt tình của mục tử đối với đàn chiên họ Búng.
“Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi”(Mt25,21).
Phần mộ Cha Robert Keller – Trước đài Thánh Quí
Xem thêm: Hình các Chủng sinh Búng thời Cha sở Robert Keller
Hình các Chủng sinh chụp tại nhà thờ Búng năm 1957
Hàng sau từ trái qua: Têphanô Ri, Philipphê Binh, Phaolô Khi, Micae Khâm
Hàng trước từ trái qua: Giacôbê Báu, Tôma Khiêm, Longinô Mậu, G.B Đức
I. CHA SỞ TẠM THỜI PHANXICÔ-X TRẦN NGỌC DƯƠNG
- Qua đời :18/03/1991 tại Tân Qui, Giáo phận Sài Gòn.
- Sổ rửa tội được cha ký từ 11/02/1963 đến 17/06/1963, có 41 người.
- Sổ hôn phối được cha ký từ 20/02/1963 đến 10/05/1963, có 5 đôi hôn phối
- Cha phục vụ tại Búng chỉ 4 tháng, việc mục vụ đạo đức cho giáo dân là chính.