Mùa Giáng sinh đến với người Việt Nam
đầy những giai điệu của một mùa yêu thương và chia sẻ. Giáng sinh chưa bao giờ
có thể thiếu âm nhạc. Và những gì được ghi chép từ âm nhạc Giáng Sinh được biết
đến ở Việt Nam, đang làm thay đổi mọi nhận thức về lịch sử tân nhạc Việt Nam từ
thời tiền Đệ nhị Thế chiến.
Theo các tài
liệu được biết về âm nhạc Giáng Sinh được người Việt nội hóa, tức sáng tác mới
từ tiếng Việt chứ không hề chuyển ngữ, thì từ năm 1911, đã có bài Nửa đêm mừng
Chúa ra đời do hai linh mục Phao-lô Đoàn Quang Đạt và Gabriel Long soạn thành
bài, dựng nên tiết mục hoạt cảnh cho sinh hoạt của nhà thờ. Linh mục Grabriel
Long là thầy của linh mục Đoàn Quang Đạt, và là người góp ý để bài hát này ra
đời hoàn chỉnh.
Đầu thế kỷ 20,
nơi mọi thứ còn rất mông muội trong sinh hoạt văn hóa của người Việt, chính các
linh mục với nền Tây học đầu tiên, là người đem nhạc lý và trình diễn âm nhạc
đến sớm nhất với người dân theo đạo trong vùng của mình. Nhiều tiết mục âm
nhạc, kịch nghệ… lẫn sáng tác mới đã hình thành từ đây. Tuy nhiên, do yếu tố
sinh hoạt còn khép kín trong những người theo đạo, nên sự quảng bá không rộng
rãi như bây giờ. Âm nhạc lúc bấy giờ chỉ được dùng trong các nghi lễ và sinh
hoạt tôn giáo, nên chưa có sức lan tỏa mạnh với quần chúng. Hơn nữa, thị trường
âm nhạc Tây học vẫn chưa có chỗ đứng với người Việt, khi đô thị và sinh hoạt
kiểu phương Tây chỉ mới bắt đầu hình thành.
Bài hát Nửa đêm
mừng Chúa ra đời thường được ghi với tên của linh mục Đoàn Quang Đạt, một phần
vì ông là tác giả chính, phần khác là linh mục Gabriel Long với sự khiêm tốn
trong việc giới thiệu phần đóng góp của mình, nên cũng ít được nhắc tới. Văn
bản viết bằng nốt nhạc hoàn chỉnh trên những dòng kẻ tay của linh mục Đoàn
Quang Đạt (1877-1956), được ghi nhận có từ 1911, tức trở thành dữ liệu được tìm
thấy sớm nhất về âm nhạc Tây học của người Việt. Hơn nữa, từ năm 1911, bài hát
này đã được dàn dựng và trình diễn không ngừng đến tận hôm nay. Năm 1910, nhà
sách Tân Định Ấn Quán (Imprimerie de la Mission de Tan Dinh) đã cho ra tập nhạc
bản này.
Thật ra, dựa
theo tập nhạc nói trên, người ta tìm thấy một bài hát khác của linh mục
Đoàn Quang Đạt, viết từ năm 1907 tên là Ca Vịnh Đức Bà. Do bài hát này ít phổ
biến hơn, cũng như thất lạc văn bản gốc, nên tạm thời bài Nửa Đêm Mừng Chúa Ra
Đời được coi là bài hát đi theo dòng tân nhạc, có mặt sớm nhất trong lịch sử
Việt Nam. Và mùa Giáng sinh năm nay, bài hát này được vang lên với độ dài hơn
một thế kỷ để chúc lành cho mọi người trong thế giới chưa bao giờ bình an thật
sự này.
Nói về nhạc
thuật, cũng như lời hát, nếu một lần được nghe qua, bất kỳ ai yêu âm nhạc cũng
ngạc nhiên về sự tinh tế trong sáng tác, cũng như hòa nhập tính cách Nam bộ của
người Việt theo đạo Công giáo từ miền khác vào đồng bằng Cửu Long. Trong thời
điểm mà quốc ngữ còn đang còn nhiều khiếm khuyết, sự hoàn chỉnh của ngôn ngữ
trong bài hát này đã làm nhiều nhà ngôn ngữ phải kinh ngạc.
Sự ra đời của
bài hát Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời là một bước ngoặt quan trọng trong việc nhìn
nhận sự xuất hiện của tân nhạc Việt Nam. Với những tài liệu được biết, bao gồm
đĩa nhựa 78 vòng được xuất bản, người ta chỉ biết đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên
với bài Kiếp Hoa, xuất hiện năm 1938, trong sự trợ giúp của Thống đốc Nam Kỳ
Henri Georges Rivoal (1886-1963) để vận động cho tour âm nhạc cải cách từ miền
Trung ra miền Bắc bằng xe lửa. Dựa trên dữ kiện này, lịch sử tân nhạc Việt Nam
cần phải được ghi chú lại, với bài hát đầu tiên được tìm thấy là tác phẩm của
linh mục Đoàn Quang Đạt.
Theo ghi nhận
của nhạc sĩ Trần Quang Hải, giai đoạn trước năm 1937 là thời gian được coi là
tượng hình, tức chưa rõ ràng gì về âm nhạc, cũng như việc nhìn nhận. Còn với
nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) thì đây là giai đoạn đi tìm nhạc ngữ mới. Tức
người sáng tác phải đi tìm ngôn ngữ ca từ lẫn các phương thức sáng tác cho tân
nhạc Việt. Ấy vậy mà, khi nghe lại Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời, người nghe sẽ
không khỏi ngỡ ngàng như bài hát này chỉ mới được sáng tác gần đây bởi tính
hiện đại và hấp dẫn của nó.
Những tư liệu
này sẽ là cơ hội cho các nhà nghiên cứu và ghi chép lịch sử âm nhạc bổ sung vào
tiến trình hình thành âm nhạc hiện đại của người Việt qua hơn một thế kỷ.
Nhưng trước mắt,
chúng ta lại đón một mùa Giáng Sinh với những điều chúc lành, bên cạnh đó được
nghe lại một bài hát đã có hơn một thế kỷ. Đó cũng là một món quà êm dịu của
mùa cuối năm đầy gió lạnh. Món quà được gửi đến từ quá khứ trăm năm, mà ngỡ như
mới hôm qua.
Nhạc
sĩ Tuấn Khanh
(tổng hợp, theo gợi ý của bs Lê
Đình Phương)