· Sinh ngày: 04/08/1937
· Tại: Chánh Thiện, Thủ Dầu Một.
· Năm 1953: Tiểu chủng viện Sài Gòn
· Năm 1960: Đại chủng viện Sài Gòn
· Thụ Phong Linh mục: 29/04/1967
· Từ tháng 05/1967 - 12/1967: Phó xứ Búng
· Năm: 1968 – 1970: Chánh xứ Chơn Thành.
· Năm 1970 – 1972: Chánh xứ Lộc Ninh
· Năm 1972 – 1980: Chánh xứ Búng
· Năm: 1980 – 18/10/2012: Chánh xứ Lái Thiêu. Quản hạt Phú Cường.
· Từ 19/10/2012 - Nay: Hưu dưỡng.
CHA SỞ THỨ 13 CỦA HỌ ĐẠO BÚNG
CÔNG TÁC MỤC VỤ
Thời của cha có cho trồng một số cây cao su ở đất của nhà thờ gần đất Thánh. Đặc biệt, từ 30/04/1975, khi đất nước hòa bình, việc đạo đức là chính yếu. Ngoài ra, làm việc canh tác, trồng lúa, trồng khoai để lo bữa ăn.
Trường nhà thờ, trước do các dì Mến Thánh Giá Thủ Thiêm quản lý, thì sau 30/04/1975, được chuyển cho nhà nước quản lý và dạy.
· Sổ rửa tội được cha ký từ 30/01/1972 đến 1980
· Sổ hôn phối được cha ký từ 07/03/1972 đến 12/05/1980
· Ngày 25/05/1980, Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Cha Tôma từ giã họ Búng để chuyển về họ Lái Thiêu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
CẢM NGHỈ VỀ NGƯỜI CHA
Sau 32 năm, Cha Tôma phục vụ tại giáo xứ, giáo dân trong giáo xứ có thể nhận xét về Cha như sau:
Cha có nếp sống bình dân giản dị.
Cha vốn xuất thân từ một gia đình nông dân trong Giáo xứ Chánh Thiện, nên Cha có nếp sống giản dị, bình dân, ăn uống đạm bạc, cách ăn mặc cũng đơn giản. Khi giảng dạy, Cha dùng những từ dễ hiểu, không văn chương bay bướm. Khi phát biểu trước đám đông, Cha không dùng ngôn từ diễm lệ mà chỉ dùng lời ngay ý thật mang đậm cốt cách bình dân để cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Phòng làm việc và nghỉ ngơi của Cha thì bày biện đơn giản. Tài sản trong phòng thì không có gì quý giá. Phương tiện di chuyển hàng ngày chỉ là chiếc xe Dream đời cũ.
Cách làm việc của Cha: Lắng nghe – Tìm hiểu – Nhin nhục.
Bước đầu về nhận giáo xứ, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Cha bình tĩnh, cầu xin ơn Chúa, lắng nghe từ mọi phía, phân tích sự việc, tìm hiểu thực hư, tạm chấp nhận những gì có sẵn rồi từ từ điều chỉnh, kêu gọi sự hợp tác trong giáo xứ. Cách làm việc của Cha là đối thoại chứ không đối kháng. Đối với những vụ việc quá căng thẳng, Cha sẵn sàng hạ giọng, tự kiềm chế bản thân, nếu cần phải nhượng bộ, mặc dù tính Cha cũng nóng nảy.
Cách dùng người của Cha.
Cha tôn trọng khả năng của từng người. Cha để những người cộng tác với Cha thoải mái phát triển tài năng của mình. Ý của Cha là:” Biết việc, cứ làm”. Điều gì Cha không có ý kiến là tốt, cứ tiếp tục. Cha hiếm khi khen cá nhân mà chỉ khen tập thể bởi vì theo Cha thì:” Mình có tài, có khả năng thì tham gia phục vụ giáo xứ, làm sáng danh Chúa, có gì mà phải khen; mà khen như thế nào thì vừa”. Vả lại, Cha biết mình không có tài ăn nói, ngôn từ không diễm lệ nên khen thế nào cho phải. Thôi thì khỏi khen, để Chúa khen.
Cách dùng tiền của Cha.
Cha không tiếc tiền trong việc sửa chữa nhà thờ, làm đẹp khuôn viên nhà thờ. Có tiền ít thì hư chỗ nào, sửa chỗ đó. Có tiền kha khá thì sửa chữa quy mô, dùng vật liệu cao cấp. Trong việc cử hành phụng vụ, Cha sẵn sàng mua sắm dụng cụ âm thanh loại tốt để lời Cha giảng dạy và tiếng Ca đoàn hát để mọi người tham dự thánh lễ trong và ngoài nhà thờ nghe được rõ ràng, thêm phần sốt sắng. Cha tiết kiệm tổ chức ăn uống tại nhà xứ nhưng hào phóng đối với những gia đình có thân nhân mắc bệnh nặng mà thiếu tiền thuốc thang. Mỗi thứ sáu đầu tháng, khi trao Minh Thánh Chúa cho người bệnh, người già. Cha cũng tranh thủ thăm hỏi, và làm việc từ thiện, bác ái. Đối với những việc quyên góp của Giáo phận hoặc các giáo xứ vùng xa, Cha rất sẵn sàng đáp ứng. Trong việc giao tế, Cha biết dùng của cải thế gian để mưu cầu ích lợi cho Giáo Hội dù phải tốn kém.
Cách đối xử với các Cha phó và các Thầy giúp xứ.
Cha đối xử rất tốt với các Cha phó, luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các Cha phó làm tốt công tác của mình. Đối với các Thầy giúp xứ, Cha tận tình giúp đỡ, chỉ bảo những kinh nghiệm mà Cha đã trải qua và đối xử rộng rãi với các Thầy, nên qua thời gian giúp xứ, các Thầy an vui tiến lên Bàn Thánh.
Thú tiêu khiển của Cha.
Cha thích chăm sóc cây kiểng và nuôi các loại thú từ Bò, dê, chó, mèo, gà, vịt đến các loại thú quý như vượn, gà rừng, công, chích chòe…Lúc nào nhà xứ cũng có tiếng chim kêu, vượn hú, chó sủa.
Ơn gọi trong giáo xứ.
Trong 32 năm làm Cha sở giáo xứ Lái Thiêu, Cha đã có hai người con mà Cha cho đi tu làm Linh mục, là Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Minh Hùng, hiện là Cha sở Bến Sắn và Cha Vinh sơn Nguyễn Minh Tuấn, hiện làm Cha phó Búng. Bên cạnh đó, về phía nữ, Cha cũng có ba người con mà Cha cho đi tu là Maria Nguyễn Đan Hoàng Trang, Maria Nguyễn Lương Hoàng Vân và Maria Nguyễn Thị Huyền Trân, thuộc Dòng nữ Thừa Sai Đức Tin, hiện còn đang tu học tại Manila – Phi Luật Tân.
Lời kết: Trên đây là một số cảm nhận về Cha Tôma qua 32 năm tại Giáo xứ. Hi vọng những ghi nhận trên đây giúp mọi người hiểu về Cha và có cái gì lưu lại về một Cha sở lâu năm nhất của Giáo xứ.
Giacôbê Nguyễn Văn Thế.
PHỎNG VẤN CHA SỞ TÔMA NHÂN KỶ NIỆM 45 NĂM LINH MỤC
(29/4/1967 – 29/4/2012)
1. Người phỏng vấn: Thưa Cha, nhân dịp Giáo xứ Lái Thiêu cho ra mắt quyển kỷ yếu của Giáo xứ nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo phận Phú Cường, 60 năm trên đường dâng mình cho Chúa, 45 năm Thụ phong Linh Mục, 32 năm làm Cha sở Giáo xứ Lái Thiêu. Xin Cha cho biết cảm xúc sâu sắc nhất của Cha về những sự kiện lớn kể trên?
Cha Tôma: Tôi quan niệm cuộc đời linh mục giống như một cuộc hành trình có những chặng dừng:08 tháng làm phó Búng, 2 năm làm sở Chơn Thành, 2 năm làm sở Lộc Ninh, 8 năm làm sở Búng và chặng cuối cùng về Lái Thiêu. Chúa đã an bài cho tôi về Quê ngoại để phục vụ trong thời gian thật dài, 32 năm. Thật vậy, mẹ tôi sinh ra tại xã Tân Thới năm 1916. Được rửa tội tại Lái Thiêu do cha Henri Hay và được an nghỉ tại đất thánh Lái Thiêu. Thánh ý Chúa thật nhiệm mầu không ai kể thấu.
2. Người phỏng vấn: Sau khi Cha thụ phong linh mục, Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên, Giám Mục Giáo phận Phú Cường, đã có bài sai bổ nhiệm cha làm cha sở Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Xin Cha cho biết công tác mục vụ của Cha lúc đó, cũng như những công trình mà Cha đã thực hiện lúc đó như: xây cất, điều hành trường học của thời điểm đó.?
Cha Tôma: Tôi đi nhận xứ Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước vào giữa cuộc chiến ác liệt của Tết Mậu Thân. Trong 2 năm 1970 – 1972, tôi đã nỗ lục xây dựng hai trường học: Trường Trung học phụng sự và trường Tiểu học, đã mời được hai Dì Thủ Thiêm lên dạy đạo hạnh và chữ nghĩa cho con em trong xứ. Một câu chuyện cảm động được ghi lại đây để tôn vinh tình nghĩa thầy trò. Vào năm 2008, tôi gặp một tín hữu ở Chơn Thành đang định cư tại Mỹ, anh nài nỉ tôi tìm giùm Dì Chín trước dạy ở Chơn Thành. Tôi hứa và tôi đã nối kết lại tình thầy trò đã xa cách nhau gần 40 năm. Thế là anh học trò quyết định về Việt Nam , đã yểm trợ tiền xây nhà và hứa phụng dưỡng Dì cho đến cuối đời. Tình nghĩa thầy trò thật cao cả và tuyệt vời như thế.
3. Người phỏng vấn: Nghe nói trong thời làm Cha sở Lộc Ninh, nhân một chuyến đi từ Lộc Ninh về Bình Dương, chiếc xe đò chở Cha cán “trúng mìn”, xe hư hại, hành khách có người bị thương nhưng Cha chẳng sao cả. Xin Cha cho biết lúc đó Cha có kịp “ ăn năn tội cách trọn” hoặc kêu lên” Giêsu, Maria, Giuse” như ông bà chúng ta thường dạy con cháu mỗi khi gặp gian nan khốn khó hay không?. Sau giây phút đó Cha cảm thấy thế nào?
Cha Tôma: Tháng 4 năm 1972, lúc chiều tối, Đức Cha Giuse tới Chơn Thành ở lại một đêm. Lúc trăng lên, khi trời dịu mát, Ngài bảo cần tôi đi Lộc Ninh để dàn xếp công việc của Giáo xứ. Tôi trả lời là Đức Cha sai đi đâu, lúc nào thì tôi cũng sẵn sàng vâng lời. Đức Cha bảo: “ Chúa sẽ chúc lành cho Cha”. Vào thời điểm đó, đường đi từ Chơn Thành đến Lộc Ninh rất xấu, đầy cát bụi, đầy nguy hiểm vì mìn dọc hai bên đường. Vào sáng sớm của tháng 5/1971, tôi ngồi ghế số 2 của hãng xe đò Kim Long đi về Tòa Giám Mục. Rời bến khoảng 7 km thì xe cán phải mìn. Viết lại tại họa này tôi cảm thấy còn hoảng loạn như lúc đó. Nghe tiếng nổ đùng chát chúa, bụi cát văng rát cả mặt, một lỗ to xé nát nóc cabin, sức tàn phá của quả mìn thoát ra từ lỗ này, mọi cánh cửa đều bung ra, xe dừng lại tức khắc, mọi người đều chạy dồn về phía sau xe. Kiểm tra lại thì có anh tài xế và một người khác bị thương.
Thấy mình còn nguyên vẹn cả xác hồn nên tức khắc dâng lời cảm ta Hồng ân Thiên Chúa đã che chở mình được tai qua nạn khỏi. Đây là lần thứ hai Thiên Chúa đã giữ gìn tôi khỏi cái chết trước mắt, còn lần thứ nhất là vào tháng 07/1953, một người đàn bà xa lạ rất can đảm đã lên tiếng cứu tôi khỏi phải bị bắn chết ở Suối Giữa. Hồng ân Thiên Chúa thật bao la. Cả hai lần đều không có giờ hoặc không nhớ đên ăn năn tội vì sợ hải đã chiếm đoạt cả con người mình. Đây là một kinh nghiệm bản thân rất quí giá, nên chúng ta cần phải ăn năn tội trước khi ngủ và lúc mở mắt thức dậy.
4. Người phỏng vấn: Cha làm cha sở tại Giáo xứ Búng bao nhiêu năm, những kỷ niệm nào Cha cho là sâu sắc nhất khi Cha phục vụ tại đó?
Cha Tôma: Đầu tháng 02/1972 tôi nhận bài sai về Giáo xứ Búng. Đây là lần thứ hai tôi trở lại với danh nghĩa là cha sở. 8 năm phục vụ tại đây, tôi nhận thấy anh chị em Giáo xứ Búng rất hiền hâu và ôn hòa, dễ mến, dễ thương, chưa hề nghe ai nói điều gì không đẹp về Giáo xứ Búng. Kỷ niệm sâu sắc là khi được bài sai về Lái Thiêu thì có một số người định làm đơn ra xã Hưng Định xin giữ tôi lại. Ông Marcô Nguyễn Văn Hoàn, thân phụ của Cha Titô Nhường, báo cho tôi biết. Tôi xin ông Cố ngăn chặn và giải thích cho họ hiểu không nên làm cản trở việc điều hành của Đức Cha. Thế là mọi việc đã xảy ra tốt đẹp. Hoan nghênh tinh thần vâng phục của giáo dân Búng.
5. Người phỏng vấn: Năm 1980 Đức Cha Giuse bổ nhiệm Cha làm cha sở Giáo xứ Lái Thiêu. Tính đến nay là 32 năm. Một thời gian khá dài trong cuộc đời của một cha sở tại một nhiệm sở. Vậy, chắc chắn Cha có nhiều điều để nói. Xin phép Cha cho biết cảm tưởng của Cha về Giáo xứ Lái Thiêu như thế nào lúc mới bắt đầu về làm cha sở và cảm tưởng hiện nay sau 32 năm (sống và phục vụ tại đây)?.
Cha Tôma: Theo thường tình, mỗi lần đến giáo xứ mới chắc chắn cha nào cũng có nhiều chuyện lo âu, suy nghĩ, nhất là lúc đó tôi rất am hiểu về tình hình của Giáo xứ Lái Thiêu. Điều an ủi và nâng đỡ tôi chính là lời Đức Cha Giuse đã nói khi tôi nhận đi Lộc Ninh ” Chúa chúc lành cho Cha vì vâng lời”. Tôi cảm nghiệm được được ơn chúc lành Đức Cha từ đó đến nay. Thêm vào đó, nhờ sự cộng tác tích cực của các nữ tu dòng Thánh Phaolô , Hội đồng giáo xứ, các Cựu Chủng sinh và tu sĩ, các Hội đoàn, các gia đình trong mọi sinh hoạt mục vụ của giáo xứ nên các Bí tích được cử hành trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng. Điều được Đức Cha Phêrô xác nhận trong lễ Thêm Sức ngày 27/05/2012, Ngài còn khen các em Rước lễ trọng thể siêng năng bền chí học hỏi Lời Chúa và đã hứa quyết tâm nên thánh bằng con đương phục vụ để trở nên những chứng nhân trung thực của tình yêu Thiên Chúa giữa trần gian. Suốt 32 năm tôi được an vui và hạnh phúc sống giữa anh chị em.
6. Người phỏng vấn: Cha có ấn tượng gì về Giáo xứ Lái Thiêu nhất và sau này trong tương lai gần khi Cha nghỉ hưu, Cha sẽ căn dặn cha sở tương lai của Giáo xứ Lái Thiêu điều gì để “ Cha sở mới” đỡ mất công và dò dẫm, mò mẫm trong bước đầu phục vụ tại Giáo xứ Lái Thiêu?
Cha Tôma: Nghe địa danh Lái Thiêu mọi người đều cảm mến vì bề dày lịch sử của nó. Tôi thơm lây vì được phục vụ giáo xứ Lái Thiêu. Tôi vui mừng nhận thấy anh chị em Lái Thiêu đều ý thức về truyền thống ông bà đã để lại, điều này thể hiện rõ qua đời sống đức tin luôn canh tân đổi mới, luôn sáng chói, luôn hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ. Mọi người dù ở chân trời góc bể nào cũng luôn hướng về quê nhà Lái Thiêu. Bằng chứng là các cơ sở mà giáo xứ đang có luôn có phần đóng góp đáng kể của các người con ở hải ngoại. Ước gì truyền thống tốt đẹp luôn được giữ gìn qua các thế hệ con cháu, để Lái Thiêu luôn xứng đáng giữ đại vị hàng đầu trong Giáo Phận.
Nếu phải nhắn nhủ với cha sở tương lai, tôi xin mượn lời Đức Cha Phêrô thường nói với anh em Linh mục:” Một mình Giám Mục không làm được gì”, thì cũng vậy, một mình cha sở cũng không làm được gì nên phải tin tưởng vào tinh thần cộng tác và lòng nhiệt thành của anh chi em giáo dân. Thêm vào đó, cha sở phải biết tôn trọng truyền thống của địa phương và tôn trong mọi thành viên từ người già cho đến trẻ em.
Nguồn: Kỷ yếu Giáo xứ Lái Thiêu