· Sinh năm: 1925
· Tại: Long An
· Thụ phong linh mục: 29/03/1952
· Từ năm: 1952 – 1963: Cha phó họ đạo Búng
· Từ năm 1963 – 1966: Cha sở Dầu Giây. Thành Lập và Quản nhiệm giáo họ Ngô Quyền 1965 - 1966 (nay là giáo xứ Xuân Đức).
· Từ năm: 1966: Phục vụ họ đạo Tân Triều
· Từ năm: 1968 – 1998: Cha sở Biên Hòa
· Từ năm 1998 – 2006: Hưu dưỡng
· Qua đời tại Biên Hòa, thứ Ba 24/10/2006, hưởng thọ 81 tuổi.
· Ngài được đi an táng ở đất thánh ‘Chúa Chiên Lành’ (dành cho các cha ở Giáo Phận Xuân Lộc) ở Thái Hòa, cách Biên Hòa 10
Ở HỌ BÚNG (1952 – 1963):
Trong 11 năm làm cha phó ở Búng (lúc này cha Keller đã 67 tuổi). Cha Tôma rất tích cực lo toan mọi việc. Có thể tóm tắt như một giáo dân đã nhận xét về cha như sau :’Cha vui tính, thích hoạt động, cha vẽ cũng khá. Cha sáng tác nhiều bài cho các vở tuồng, và một số bài thánh ca. Cha làm văn xuôi, văn vần rất hay. Cha tổ chức các lễ lớn rất trọng thể và chu đáo, đặc biệt là các cuộc rước kiệu. Các vở tuồng thời ấy thì nay khó tổ chức lại được, vì rất hao tốn và nhiều công sức’.
Cụ thể cha Tôma đã để lại tại Búng :
1. 45 bài thánh ca với bút danh Đức Hiệp. Đa số các bài hát có chủ đề về Bí Tích Thánh Thể và Đức Mẹ Maria. Các bài được sáng tác 2 bè. Có một bài tựa là ‘Hỡi đất trời ca tấu lên’ hát về tông đồ đang thịnh hành ở xứ Búng.
2. 11 vở tuồng ( dài khoảng 2 tiếng đồng hồ/mỗi tuồng) hiện nay Ông Út Vincent Nguyễn Văn Thơi đang giữ. Những vở tuồng này thường được diễn vào dịp tết, tối mùng 1 – 2 – 3 để gây quĩ, lo các cuộc rước kiệu, và các việc mục vụ khác.
o 1954 : 2 tuồng : Giáo hội như thuyền trên sóng, Hai con đường
o 1955 : 2 tuồng : Bánh và Đạo, Phút chia ly
o 1956 : 2 tuồng : Thánh Alêxù, Bên nấm mồ mẹ
o 1957 : 1 tuồng : Tổ phụ Giacốp
o 1958 : 1 tuồng : Ba giọt máu hy sinh
o 1959 : 1 tuồng : Vì nghĩa quên mình
o 1960 : 1 tuồng : Tiếng phán qua bao thế hệ
o 1961: 1 tuồng : Lời trối trên đồi Can-va
Trường học gần nhà các Dì là nơi diễn tuồng, các lớp được phân ra bằng những tấm ván, khi diễn tuồng thì dẹp ván và có một hội trường lớn. Khán giả thời đó không chỉ là người có đạo, mà cả những người lương cũng đến xem rất đông. Thời đó, cha sở Keller không cho con gái diễn tuồng chung với con trai do đó nhiều thanh niên nam rặt đã giả gái rất thành công. Nhiều xảo thuật tinh vi đã được áp dụng trong các vở tuồng, nên khan giả rất tán thưởng. Chẳng hạn cảnh quỷ bay lượn lên xuống, hỏa ngục đỏ rực, cảnh trả lại đôi mắt cho người mù từ tay thiên thần bằng cách cho đôi mắt bay từ thiên thần đến cặp mắt người mù….vô cung hấp dẫn.
VỀ NHỮNG CUỘC RƯỚC KIỆU
Mỗi năm có 3 cuộc rước kiệu trọng thể:
Lễ Mình Máu Thánh Chúa:
Giáo dân bằm cỏ rải trên đường kiệu, tô điểm bằng những hoa phượng đỏ, làm thành tấm thảm suốt đường kiệu dài, để cha sở cầm Mình Thánh Chúa đi trên đó. Ở những chỗ kiệu quan trọng, cha Tôma cho làm những động to (giống như của tam quan) bằng vải sơn vàng, khắc chữ, vẽ hình, khung bằng cây rất đẹp. Khi kiệu thì chuông trống thay phiên khắc, hòa với tiếng hát suốt cuộc rước.
Rước kiệu Đức Mẹ (Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08/12)
Rước về đêm, nên cần đèn là chính, ở mỗi chỗ quan trọng có những cái động to (dán hình, chữ, đèn bên trong) rất rực rở. Không lần nào kiệu mà không có ít nhất n5,6 cái động như thế. Ở chỗ dừng chân thì có đài cao, trang hoàng lộng lẫy.
Rước kiệu Chúa Hài Đồng:
Cũng như rước kiệu Đức Mẹ, ngôi sao dọc theo đường kiệu, bên trong đốt nến, khoảng vài trăm cái. Khi đi kiệu, có bắn trái sáng rất nhiều (pháo thăng thiên, hỏa châu).
Cũng nói thêm rằng:Những cuộc rước kiệu này là truyền thống có từ thời trước khi cha phó Tôma về xứ Búng.
o Năm 1942, đời cha phó Phêrô Cầu, có cuộc rước kiệu Đức Mẹ ra khỏi nhà thờ, đi đến ngã ba Bến Bụi (đường vô lò chén Chùm Sao), rẻ trái về đường nhà bà bảy Khá (Cô của Ông hai Kỉnh, cha Đức và Cha Khâm). Đến trại của ông Trang (khu đát nhà ông sáu Trực), có một cổng chào tam quan lớn, trang trí công phu, khi bàn kiệu đến, dừng lại, một dàn pháo bong rực rở bắn lên trời, hiện hình Đức Mẹ chấp tay, 2 Thiên Thần chầu và ở dưới chân Đức Mẹ có chữ Ave Maria.
o Đời cha Phêrô Thì (1946 – 1951) cuộc rước kiệu đã đi lên ngã ba Dốc Sỏi, vòng trái đi thẳng về chợ Búng. Tại Chợ Búng, có một đài rất lớn, lộng lẫy công phu thu hút rất nhiều người xem và than phục. Sau đó đi đến cầu Bà Hai và quẹo về nhà thờ.
o Ngoài ra, hằng tháng, buổi chiều chủ nhật đầu tháng lúc 3 giờ, có kiệu Đức Mẹ vòng quanh nhà thờ, sau đó chầu phép lành trọng thể.
Tóm lại, vào thời cha Keller và 9 cha phó, từ năm 1925 đến 1963, họ Búng có nhiều cái đáng nhớ. Sự cộng tác của hàng Quới chức ( Trùm, Câu, Biện) rất tích cực. Mọi tổ chức lễ lớn đều có mặt quới chức: Chỉ huy là cha phó, thực hiện là quới chức và thanh niên.Khiêng kiệu lộng Thánh Thể là quới chức (Khăn đóng, áo dài đen, quần trắng, vai đeo băng quới chức). Khiêng kiệu Đức Mẹ thì do các cô trong Hội Con Đức Mẹ. Xin tiền Hội Thánh Phêrô thì do các ông trong Hội đảm trách. Chính quới chức là người giữ kẻ liệt và đưa các cha đi kẻ liệt. Tổ chức chuẩn bị kịch nghệ, rước kiệu từ vài tháng trước. Cộng tác rất tích cực, cha con luôn hồ hởi, chung nhau làm việc, chung nhau lo cho họ đạo.
Trích " Lịch sử họ đạo Búng"