Xứ Búng - nơi chôn nhau cắt rốn của Thánh Quí
Hưng Định ngày trước vốn hoang sơ, ẩm thấp, ngập nước… nên người ta gọi là Cái Búng. Theo thời gian, nhờ phù sa sông Sài Gòn bồi đắp mà trở nên phì nhiêu, nhiều người nhận ra và đến sinh sống. Miền này từ đó khoác lên mình diện mạo mới hoàn toàn, nhà cửa san sát, phố xá tấp nập, cảnh lưa thưa vài nóc nhà đã lùi xa vào dĩ vãng. Búng bây giờ đã là đô thị, cận kề Thủ Dầu Một và thành phố mới Bình Dương, với nhiều khu công nghiệp nên nét chuyển biến ngày càng rõ rệt.
Lược sử giáo xứ ghi lại, những người Công giáo đầu tiên đặt chân đến xứ Búng là các ông Hương, Tùng, Bời, Dũi. Trong đó, ông Tùng chính là ông Đoàn Công Tùng - ông cố Thánh Quí, người đã bỏ xứ Huế cùng con cháu vào Nam tránh nạn bắt đạo thời vua Minh Mạng. Trên chiếc ghe xuôi dòng Nam tiến lần đó có ông Đoàn Công Miêng - cháu đích tôn ông Tùng, thân sinh ra Thánh Quí sau này.
|
Đền kính thánh Quí và thánh Phụng trong khuôn viên nhà thờ Châu Đốc |
Kết hôn với bà Nguyễn Thị Trường, ông Miêng sinh sáu người con gồm Đoàn Công Thới, Đoàn Thị Bường, Đoàn Công Đã, Đoàn Công Rạng, Đoàn Công Báu và Thánh Quí là con út. Tính từ lúc thánh nhân chào đời đến hiện tại đã ngót nghét 200 năm, cảnh vật quê hương đổi thay gần như hoàn toàn, do đó khu đất mà gia đình ngài ngày trước từng sinh sống nay cũng bị xóa nhòa, dù nhiều thế hệ sau này không ngừng kiếm tìm nhưng vẫn không cho kết quả. Còn con cháu phần di cư làm ăn, phần trốn chạy vì bom đạn hay chịu tử nạn trong thời kỳ bắt đạo nên lưu lạc mỗi người mỗi hướng. Trong gia phả dòng tộc giờ chỉ còn dòng dõi ông Thới (đi xuống Long An) và bà Bường (ở lại Búng) là rõ nguồn gốc.
Bên ly nước đá mát rượi, bà Đoàn Thị Trần, tuổi gần 90, chậm rãi kể lại những câu chuyện về “Ông Thánh” của dòng họ: “cha má tui kể, tính cách ông Quí hiền hậu, đạo đức, thương người, ngay từ nhỏ đã ước ao dâng mình làm chứng cho Chúa. Ông vốn tuấn tú, lại thông minh, rất có tương lai nên cha mẹ không muốn cho đi tu để ở nhà chăm đường học vấn làm vẻ vang dòng tộc, vì thế đã thu xếp cho người anh là Antôn Báu theo ơn gọi. Thế nhưng, sau một thời gian cảm thấy không hợp, người anh xin trở về, lúc này cha mẹ mới bằng lòng cho cậu út theo đường tu trì…”. Bà Trần thuộc đời thứ tư, cháu ruột ông Đoàn Công Huy. Ông Huy là con thứ 7 của ông Đoàn Công Thới.
|
Chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Mến (quen gọi Ba Ri), gần 70 tuổi, cháu đời thứ 5 của Thánh Quí, ở cách nhà thờ độ hai cây số. Thân phụ bà tên Nguyễn Văn Binh, có bà cố là Đoàn Thị Bường - chị gái Thánh Quí. Bà Mến có 4 người con gái lấy chồng và ở gần ba mẹ. Bà Mến cho hay, thân nhân trong dòng họ bà Bường hiện sống ở Búng khá đông, số khác định cư ở Lái Thiêu hay tản lạc xuống Gò Công (Tiền Giang), một vài vị ra nước ngoài lập nghiệp. Có người học hành đỗ đạt, còn lại làm đủ ngành nghề từ kinh doanh, buôn bán đến làm công việc văn phòng… “Cứ mỗi lần nghe ai nhắc đến Thánh Quí, trong lòng tôi lại bồi hồi, hạnh phúc khó tả. Tôi “lao” liền vô góp chuyện để mọi người hiểu hơn về vị chứng tá nổi tiếng, người đã được chọn đặt tên cho một Đại Chủng viện ở Việt Nam - Đại Chủng viện Thánh Quí Cần Thơ”, bà Mến hãnh diện.
Trước đây, cứ vào dịp lễ giỗ Thánh Quí ngày 31.7 hằng năm, họ hàng đều kéo xuống Trung tâm Hành hương Châu Đốc, nơi kính Thánh Quí và Thánh Phụng để dự lễ. Nhưng mấy năm gần đây, bà Mến đứng ra quy tụ anh em trong dòng tộc về Búng và dâng lễ tại quê nhà thánh nhân. Từ đó mọi người có dịp sum họp, gặp gỡ, chuyện trò cùng nhau. Như đứa con đi xa trở về lại thăm tộc họ, tay bắt mặt mừng, không khí một đại gia đình thật ấm cúng.
Gạch nối của dòng họ
Rời xứ Búng cổ kính, chúng tôi rẽ hướng xuôi xuống miền Tây, tìm về giáo xứ Lương Hòa Hạ thuộc Bến Lức, Long An (giáo phận Mỹ Tho) để gặp gỡ chi tộc thuộc nhánh khác, được xem là rõ ràng nhất.
|
Con cháu trong dòng tộc bên phần mộ ông Đoàn Công Thới |
Theo lời kể của các thành viên trong dòng tộc và lược sử giáo xứ Lương Hòa Hạ ghi lại, năm 1880, cha Tôma Hồ Biểu Đoan được bài sai về coi sóc họ đạo Lương Hòa. Cha Tôma người gốc Lái Thiêu, nên đã chiêu mời những người quen ở quê mình đến vùng đất mới. Sau đó, nhiều người từ Búng, Tân Qui cũng tìm về định cư. Ông Đoàn Công Thới - anh cả (anh Hai theo cách gọi của người miền Tây) của Thánh Quí kết hôn với bà Võ Thị Chi sinh được 8 người con (Thung, Dung, Triệu, Võ, Ca, Đề, Huy, Đăng). Vài người mất sớm, số còn lại khăn gói đi xuống Long An trong đợt di cư lần đó. Hiện nơi Đất Thánh giáo xứ vẫn còn phần mộ ông Đoàn Công Thới. Lệ thường vào tháng 11 hay dịp Tết hằng năm, con cháu vẫn tụ tập về đây dọn cỏ, hương hỏa nơi phần mộ ông cố dòng họ.
|
Những hậu duệ đời thứ 4, thứ 5 của thánh Quí |
Xét về phả hệ thì quan hệ họ hàng những người ở đây tới nay đã khá xa nhau, đời thứ tư chỉ còn vài người lớn tuổi. Nhưng không vì thế mà tình cảm giữa họ lạnh nhạt, trái lại mọi người vẫn thường xuyên qua lại, thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi cần. Các thế hệ sau này cũng luôn sống thương yêu, thân thiện với bà con lối xóm, lấy gương thánh nhân để dạy bảo con cháu. Ngài như một gạch nối bà con với nhau. “Là hậu duệ vị chứng nhân anh dũng nên chúng tôi có trách nhiệm làm chứng nhân như ngài ngay trong cuộc sống thường ngày”, ông Lê Hữu Nghĩa - cháu đời thứ 5 khẳng khái.
Thánh Phêrô Đoàn Công Quí sinh năm 1826 tại thôn Hưng Định, tổng Bình Chánh Thượng, huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa (nay là phường Hưng Định, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Năm 1847, ngài nhập Đại Chủng viện Thánh Giuse (Thị Nghè). Một năm sau, thầy Phêrô được gởi đi tu học tại Đại Chủng viện Thừa Sai Paris ở Pénang (Malaysia) và trở về Việt Nam ngày 11.4.1855. Tháng 9.1858, thầy chịu chức linh mục cách âm thầm tại Thủ Dầu Một, sau đó được cử đi phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hòa, làm cha phó họ đạo Cái Mơn (Vĩnh Long), rồi cha sở họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng, An Giang) từ ngày 27.12.1858. Về nhiệm sở mới được 10 ngày, ngày 7.1.1859, cha bị bắt cùng với ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng và 32 giáo dân khác, bị xiềng xích giải về Châu Đốc. Trong thời gian giam cầm, quan thẩm vấn hứa sẽ tha, đồng thời dùng nhiều phương kế dụ dỗ lẫn đe dọa, tra tấn nhưng thánh nhân kiên quyết không bao giờ chối đạo. Ngày 30.7.1859, linh mục Phêrô Đoàn Công Quí và ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng nhận án tử và ra pháp trường xử trảm ngày hôm sau cũng tại Châu Đốc. Thi hài các ngài được an táng tại nhà thờ Năng Gù, về sau cải táng về chủng viện Cù Lao Giêng.
Đức Giáo Hoàng Piô X suy tôn cha Phêrô Đoàn Công Quí lên bậc chân phước vào ngày 2.5.1909. 79 năm sau, ngày 19.6.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong ngài lên bậc Hiển thánh.
|
Nói về đường ơn gọi thì hậu duệ Thánh Quí theo khá đông. Về đây, chúng tôi ghi nhận được nhiều điều, được nghe kể lại những câu chuyện về các đời kế cận. Dù trên cương vị nào, các ngài luôn tận tâm phục vụ nên đã để lại dấu ấn nhất định trong lòng Giáo Hội Việt Nam. Trước hết phải kể đến cha Phêrô Đoàn Công Triệu (1843 - 1936), con thứ ba của ông Đoàn Công Thới, gọi Thánh Quí là chú út. Trong cuốn sách Cha Phêrô Đoàn Công Triệu - tấm gương linh mục tiền bối, Đức cố Giám mục Phụ tá tiên khởi TGP.TPHCM Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm - một người con xứ Búng nói rõ : “…Cha Triệu là người đã đi chở hàng cho cha Wibaux (đấng sáng lập Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn) khi ngài sang Việt Nam, sau đó trở thành người giúp việc, dạy tiếng Việt cho cha Wibaux…”. Tài liệu khác ghi lại, cha còn là một trong những linh mục tiên khởi của Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, chịu chức năm 1875. Sau đó đi phục vụ nhiều nơi, lập nhiều họ đạo. Cha về hưu dưỡng tại nhà hưu Chí Hòa, mất năm 1936, được an táng nơi đất thánh các linh mục Chí Hòa. Kế đến là cha Phaolô Nguyễn Minh Tri với nhiều dấu ấn trong Hội Thánh Việt Nam. Cha Tri là cháu đời thứ 4 của ông Đoàn Công Miêng. Trong thời gian làm chánh xứ Vũng Tàu từ năm 1956 - 1975, cha cho dựng tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Tao Phùng và tượng Đức Mẹ Bãi Dâu. Về sau giáo phận cho tu sửa, thay mới, và trở thành Trung tâm Hành hương của giáo phận Bà Rịa như hôm nay. Có một người nữa cũng được nhiều người biết đến là linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt (sinh năm 1877). Về gốc gác cha Đạt còn nhiều điểm chưa đồng nhất, nhưng có tài liệu ghi lại cha là cháu ruột ông Đoàn Công Thới, tức thuộc đời thứ 4 của dòng tộc. Cha nằm trong số những người khởi xướng phong trào hát tiếng Việt tại các địa phận miền Nam, bởi trước đó trong mỗi dịp lễ, người ta chỉ hát những bài bằng tiếng nước ngoài và tiếng Latinh nên số đông giáo dân không hát được. Cha cũng để lại nhiều sáng tác vượt thời gian, trong đó có bài “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” một thời từng là bài hát chủ đạo mỗi mùa Giáng sinh về. Gần đây hơn là hai vị linh mục anh em ruột đang yên nghỉ trong khu đất đối diện nhà thờ Lương Hòa Hạ : cha Giuse Nguyễn Hiếu Lễ và cha Phêrô Nguyễn Công Danh thuộc hệ thứ 5. Cả hai đều khá nổi tiếng và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng.
|
Lễ giỗ 157 năm tử đạo của thánh nhân tại nhà thờ Búng |
Có thể nói, dù nhiều thế hệ đã đi qua nhưng mối dây gia tộc trong dòng họ của Thánh Quí vẫn bền vững, và trong đời sống con cháu của ngài luôn ra sức sống chứng nhân để xứng với danh xưng : Hậu duệ của vị chứng tá Tin Mừng.
ĐÌNH QUÝ
Quí hay Quý ?
Trong nhiều tài liệu viết về Thánh Quí thường không đồng nhất, có người viết Quí, người khác lại viết Quý. Vậy tên nào mới đúng là tên của thánh nhân ?
Tài liệu của linh mục Jean Claude Pernot, người đã từng sống và làm việc với vị thánh, sau này kể lại ở Paris luôn ghi: “le prêtre Qui” - “P. Quí”.
Cha Borelle, rất quen biết với ông Câu Phụng và cha Phêrô Quí, đã viết bài tường thuật tỉ mỉ được đăng trong tập san của Hội Truyền Bá Đức Tin, số 33, năm 1860, cũng ghi rõ : P. Quí.
Trong bản ghi nguồn gốc họ Búng, cha Martin (MEP), ngày 10.2.1911 cũng ghi : “le Bienheureux Pierre Quí”.
Quyển “Hạnh tích các đấng Chân phước tử đạo”, xuất bản năm 1960, trang 42, viết về “Chân phước Phêrô Đoàn Công Quí”.
Trong sách “Thánh giáo yếu lý”, vấn đáp, năm 1953, do nhà xuất bản Tân Định, in lần thứ 11, trang 102, “Những điều vinh hạnh đặc biệt của địa phận Sài Gòn”, có viết : Ngày 2.5.1909, Đức Giáo tông Piô X phong lên bậc Á Thánh cha Phêrô Quí, ông trùm Emmanuel Phụng, cha Phaolô Lộc, cha Phêrô Lựu, ông trùm Giuse Lựu và Phaolô Hạnh.
Adrien Launay, trong “Les trente cinq Vénérables Serviteurs de Dieu”, P. Lethielleux, Libraire - Editeur, 1907, trang 151 - 157, viết là cha P. Quí…
Vậy “Quí” mới là tên đúng của thánh nhân và hợp với cách đặt tên của người Nam bộ.
|